Quà cứu trợ: Trách nhiệm nặng vai trưởng thôn

Sự việc này được đưa lên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng và dư luận bức xúc nhằm vào người đứng đầu thôn này. Ngay sau đó, xã Cảnh Hóa đã yêu cầu trưởng thôn Ngọa Cương trả lại tiền cho dân. Đến ngày 30-10, tất cả hộ dân đều được nhận lại tiền.

Giải thích lý do thu tiền cứu trợ của người dân, trưởng thôn Ngọa Cương cho rằng để chia lại đồng đều. Ông cho biết sau khi nhận tiền thì một số người tự nguyện gửi lại số tiền cho thôn để thôn phân chia cho những người khác trên địa bàn cũng có hoàn cảnh khó khăn. Thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ được nhận tiền hỗ trợ nên người dân có tinh thần san sẻ, nhường nhau.

Xin không bàn thêm về việc làm của ông trưởng thôn Ngọa Cương. Từ góc độ của người cũng từng tham gia cứu trợ người dân vùng lũ ở ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình, tôi xin kể thêm một số câu chuyện để dư luận có thể có cái nhìn bao dung hơn về họ. Nhất là trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt, họ chính là người gần dân nhất, vất vả nhất. Họ cũng là người mong muốn nhận được càng nhiều hàng cứu trợ cho thôn của họ nhất.

Để có được các buổi trao quà cứu trợ trật tự, các trưởng thôn đã phải mướt mồ hôi, khàn cả giọng khi sắp xếp. Ảnh: VIỆT HOA

Còn nhớ những ngày ở Huế, chúng tôi phát 400 suất quà tại hai huyện Phong Điền và Quảng Điền. Trong đó có thôn Huỳnh Liên, huyện Phong Điền có vỏn vẹn 48 hộ dân và đang bị cô lập hoàn toàn. Sau khi phát quà cứu trợ xong ở các thôn khác, đến thôn Huỳnh Liên thì trời đã tối lại mưa lớn, nước ngập không vào được. Chúng tôi đến thôn này muộn hai tiếng so với kế hoạch báo trước với thôn.

Hai vị trưởng thôn và phó thôn chèo ghe ra đầu thôn, kiên nhẫn chờ đoàn chúng tôi suốt hai giờ dưới trời mưa để chở hàng vào thôn phân phát cho dân trong đêm tối.

Tại Quảng Bình, đoàn chúng tôi phát hơn 1.200 suất quà cho các thôn bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Để đảm bảo các phần quà đến được với tất cả người trong thôn, chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương và trưởng thôn để nhờ lên danh sách.

Dù đã có sẵn danh sách trong tay nhưng làm sao để người dân trật tự nhận hàng và không sót ai, không phát thừa cho ai là việc trưởng thôn phải tính. Tôi còn nhớ hình ảnh của ông trưởng thôn Hòa Bình (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) lưng áo đẫm mồ hôi, đứng trên một chiếc ghế cao ngoài cổng thôn trước vòng vây là 350 hộ dân, đọc tên từng người vào sân để nhận quà. Do không có micro, ông phải gọi tên đến lạc giọng, khan tiếng. Rất nhiều người dân la ó, chen lấn bên ngoài khi chưa đến lượt. Cũng có cả những tiếng chửi bới, đe dọa ở bên ngoài, kiện cáo về việc nhận hàng cứu trợ.

Cũng tương tự, khi phát 350 suất quà tại thôn Bình Minh (xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy), trưởng thôn và phó thôn đều rất vất vả. Đó mới chỉ riêng đoàn của chúng tôi. Có những ngày thôn tiếp nhận hàng cứu trợ từ rất nhiều đoàn, các trưởng thôn không có thời gian nghỉ ngơi. Chính nhà cửa của họ cũng bị ảnh hưởng, đang ngổn ngang bùn đất nhưng cũng phải gác lại để đi lo việc cho dân trước.

Những ngày bão lũ, họ phải chịu rất nhiều áp lực. Nhất là khi tiếp nhận hàng cứu trợ từ khắp nơi gửi đến. Áp lực từ cấp trên, làm sao để các hộ dân trong thôn đều được an toàn. Áp lực từ người dân trong thôn khi lỡ may có sai sót trong việc phân phát hàng cứu trợ. Và ngay cả các đoàn từ thiện từ khắp nơi đến cứu trợ không đặt niềm tin vào thôn, xã cũng là một áp lực cho họ trong những ngày này.

Một vài trong nhiều câu chuyện tận mắt chứng kiến và làm việc với các trưởng thôn, mong rằng sẽ có cái nhìn chia sẻ hơn, bao dung hơn với họ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm