Phòng khám dành cho những phụ nữ ‘bán hoa’

Trong một lần gặp PV, chị Đỗ Thụy An My, trưởng nhóm công tác xã hội Hoa Cát Tường (nhóm có chức năng tiếp cận, giúp đỡ các cô gái mại dâm và người nhiễm HIV) đã chia sẻ câu chuyện rất trăn trở về một cô gái. N., cô gái bán dâm nhiễm HIV, đã suy sụp và từ chối mọi sự giúp đỡ từ các nhóm công tác xã hội. Bằng sự kiên trì, An My đã thuyết phục N. chấp nhận điều trị. Mất vài tháng An My mới giúp N. bình tâm quay lại cuộc sống. Dù được An My theo sát nhưng N. vẫn có lúc rất buồn bã, tuyệt vọng: “Mỗi khi đến bệnh viện, em căng thẳng lắm vì sợ mọi người biết”.

An My chia sẻ: “Từ câu chuyện của N. và các chị em khác, tôi cùng những anh chị em làm công tác xã hội quyết tâm mở một phòng khám thật thân thiện, cởi mở để các chị em và người chuyển giới đến điều trị và tư vấn tâm lý”. Hai tháng sau, đầu tháng 9-2017, phòng khám đa khoa Galant (Dịu dàng) ra đời, nằm trên đường Trần Bình Trọng, quận 5.

Ca tư vấn “rất thương”

Ngày 30-10, một cô gái đến Galant để gặp nữ tư vấn viên xinh đẹp Mia Nguyễn. Mia là chuyên gia ngành tâm lý học ở Úc trước khi về Việt Nam. A. là cô gái bán dâm chuyển giới. Lần đầu tiên A. được thoải mái trải lòng mình với một chuyên gia tâm lý: “Nhìn vẻ ngoài, ai cũng nghĩ em là con gái bẩm sinh nên em kiếm khách rất dễ. Nhưng khi biết em là người chuyển giới, có nhiều khách đã nổi nóng đánh đập, bạo hành em. Em muốn đi phẫu thuật chuyển đổi cơ thể hoàn toàn để không bị đánh nữa. Chị cho em lời khuyên đi”.

Mia tâm sự với PV: “A. mới 17 tuổi, trẻ quá mà. Nhiều cô gái chuyển giới do rất khó tìm cơ hội trong cuộc sống nên họ chọn con đường bán dâm. Tôi đã khích lệ em tìm thấy bản thân mình trước khi quyết định phẫu thuật hay không”.

Chị Mia Nguyễn tư vấn cho một bạn trẻ. Ảnh: HM

Mia đã cung cấp ngay cho A. những số điện thoại và những địa chỉ giúp đỡ nếu cô bị bạo hành tình dục. Mia kiên nhẫn giải thích cho A. những khó khăn, đớn đau cô phải trải qua nếu quyết định phẫu thuật. Sau một buổi trò chuyện kéo dài, A. quyết tâm đi làm, dành dụm để có tiền ra nước ngoài tham gia thị trường lao động. Cô cho biết cô đã nhìn thấy con đường hướng nghiệp của mình. Mia ghi địa chỉ email, Facebook của mình cho A., dặn dò A. nếu ngại có thể trò chuyện với nhau trên Facebook.

Một chàng trai chuyển giới đến phòng tư vấn nhờ Mia giúp làm sao để mọi người chấp nhận con người thật của anh. Anh nói: “Nhiều người vẫn đối xử với tôi như nữ giới hoặc xem tôi là nữ đồng tính. Điều đó khiến tôi rất khó chịu”. Anh đã trải qua những ngày mệt mỏi, trầm cảm, cáu gắt. Mia kiên nhẫn giải thích, anh cần một quá trình phấn đấu lâu dài để được mọi người chấp nhận. Sự kỳ thị hoặc sự tò mò khiếm nhã là có thực trong cuộc sống nhưng anh phải chấp nhận và vượt qua nó.

Mỗi ngày phòng khám đón khoảng 25 bệnh nhân, trong đó 70% thuộc các nhóm gái mại dâm, người nhiễm HIV và người chuyển giới. 

Sếp lớn cảm ơn phòng khám thân thiện

Anh Đỗ Quang Kháng, Giám đốc phòng khám, trước đây là nhân viên xã hội của tổ chức LIFE, dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV. Trong thời gian làm dự án, anh biết có nhiều người có vị trí xã hội mắc bệnh xã hội nhưng họ giấu giếm vì mắc cỡ. Anh Kháng nói: “Tâm lý giấu bệnh và mắc cỡ luôn mang lại nguy cơ cho cộng đồng”.

Các nhân viên xã hội khi tiếp cận nhiều nhóm đối tượng đã giới thiệu họ đến phòng khám. Một sếp lớn của một công ty có tiếng đã đến phòng khám để điều trị bệnh lây qua đường tình dục. Anh chia sẻ rằng vào bệnh viện lớn vẫn có cảm giác ngại ngần và sợ ai đó nhận ra vì rất nhiều người quen biết anh.

Trong số những khách hàng của phòng khám có nhiều nam thanh niên là học sinh, sinh viên mắc các bệnh xã hội do quan hệ tình dục thiếu an toàn. Các bệnh nhân này đều được đến phòng tư vấn thân thiện để… kể hết. Hỏi tại sao biết phòng khám này, một sinh viên vô tư chia sẻ: “Cổ (gái bán dâm) chỉ địa chỉ này”.

Tư vấn tâm lý miễn phí, chi phí điều trị thấp

Hiện nay, phòng khám đã có tám bác sĩ cộng tác, làm việc từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối. Phòng khám được hình thành dựa trên mô hình hoạt động xã hội nên hoạt động tư vấn sẽ luôn miễn phí, chi phí điều trị bằng hoặc thấp hơn các phòng khám và bệnh viện.

Chúng tôi hy vọng mô hình này được mở rộng để các nhóm yếu thế trong xã hội được tiếp cận y tế dễ dàng hơn, giảm thiểu nguy cơ cho cộng đồng.

Anh ĐỖ QUANG KHÁNGGiám đốc phòng khám Galant 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm