Phó Thủ tướng: Giữ nguyên chiến lược chống dịch

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 10-5, các thành viên ban chỉ đạo, chuyên gia đã thảo luận, phân tích về những ổ dịch xuất hiện từ ngày 27-4 đến nay.

Kiểm soát bốn ổ dịch lớn

Đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27-4, sau 13 ngày đã lan ra 26 tỉnh, TP, với 442 ca mắc COVID-19 trong nước. Ban chỉ đạo xác định có bốn nguồn dịch bao gồm:

Nguồn thứ nhất là TP Đà Nẵng, gồm ca bệnh từ khu cách ly tập trung rồi về tỉnh Hà Nam, từ một quán bar và một cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp lan ra nhiều tỉnh nhưng cơ bản thì đến nay, theo báo cáo của Bộ Y tế, các địa phương đã khoanh hết được F1. Dự kiến khi có kết quả xét nghiệm toàn bộ F1 thì tới đây có thể sẽ còn có một số ca mắc mới nhưng không nhiều. Như vậy, cơ bản chúng ta kiểm soát được.

Nguồn thứ hai là từ Yên Bái, qua các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc rồi lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh. Các địa phương cũng lấy tất cả mẫu F1, lấy được nhiều mẫu F2, đã xét nghiệm được khoảng 2/3. Dự kiến tới đây mỗi ngày cũng có thể sẽ có thêm một số ca nhưng theo báo cáo của Bộ Y tế và các tỉnh thì cơ bản đến giờ phút này cũng đã kiểm soát được.

Nguồn thứ ba từ Hải Dương, liên quan đến một người có lịch sử dịch tễ ở Lào về, hiện nay lây cho hai người nữa. Nguồn lây này đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.

Nguồn thứ tư, đang nóng nhất, là từ BV Bệnh nhiệt đới trung ương 2 lan ra rất nhiều tỉnh; lây sang BV K rồi tiếp tục lan ra rất nhiều tỉnh nữa. Đến giờ phút này, chùm ca bệnh thông qua BV K đã cơ bản được kiểm soát. Theo thông tin từ Bộ Y tế cũng như các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, việc phát hiện, truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng đang được triển khai rất nhanh, dự kiến sẽ ghi nhận thêm một số ca nhiễm trong khoảng 3-5 ngày tới. Chúng ta cơ bản đang kiểm soát được tình hình ở nguồn lây này.

Theo các chuyên gia, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chpplóng trở thành ca F0. Các chuyên gia nhận định về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.

Tại cuộc họp, ban chỉ đạo nhấn mạnh các địa phương chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…

Theo các chuyên gia, về chiến lược, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị. Trong từng khâu phải thực hiện chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá chúng ta đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm…

Phun khử khuẩn tại BV K Cơ sở Tân Triều, Hà Nội. Ảnh: HP 

Không một ai an toàn khi cả nước chưa an toàn

Hiện nay, không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM 

Tiếp tục thực hiện “5K, 5K và 5K”

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến ngày 10-5, nói số tròn là khoảng 10 ngày nay, một số nơi và một số cán bộ ở các địa phương thực sự vào cuộc chống dịch không kể ngày đêm.

Ông yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả như những ngày qua. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngoài bốn nguồn dịch nêu trên, hoàn toàn có thể còn nguồn dịch nào đó trong cộng đồng mà chúng ta không biết.

“Bây giờ chúng ta phải rất tích cực, phải rất cảnh giác, nhất là những tỉnh mà chưa bao giờ có dịch phải thường xuyên giám sát” - Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá lại công tác chống dịch 10 ngày qua, Phó Thủ tướng cho rằng có thể rút ra một điểm kết luận là ít nhất từ giờ đến cuối năm chúng ta chưa thể có vaccine tiêm đại trà cho người dân, nên chưa thể có tác động của vaccine vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể.

“Điều đó có nghĩa chúng ta vẫn phải tiếp tục tinh thần chống dịch như lúc chúng ta chưa có vaccine, theo những nguyên lý đã rất đúng từ đầu đến bây giờ” - Phó Thủ tướng nói.

Mỗi người nhất thiết phải tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K, đặc biệt là khẩu trang. Các địa phương phải xử phạt nghiêm người ra nơi công cộng không đeo khẩu trang.

Về chiến lược chống dịch, Phó Thủ tướng nêu rõ có một số nơi, một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược nhưng như các chuyên gia phân tích, đó chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi.

Đầu tiên, chúng ta phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới, quản lý người tại trung tâm cách ly tập trung giám sát y tế, không để cho lây nhiễm vào cộng đồng.

Về khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần từ trước đến nay, khi có ca nghi ngờ thì triển khai khoanh vùng và “vì mục tiêu kép” thì phải khoanh gọn nhất có thể.

“Chúng ta khoanh gọn mà chặt, mà nghiêm thì mới tốt chứ rộng mà hổng thì không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng thay vì “truy đuổi dịch”, phải chăng chiến lược mới là ngăn chặn. Khoanh vùng chính là ngăn chặn, đó chỉ là cách diễn đạt khác. Sở Y tế phải tham mưu lãnh đạo địa phương, Bộ Y tế củng cố lại hoạt động của tổ chuyên gia, có hướng dẫn cần thiết để khoanh vùng cho đúng” - Phó Thủ tướng nói. 

Số ca lây nhiễm trong nước tăng mỗi ngày, từ 1 đến 10-5

Ca nhiễm cộng đồng trong ngày vượt mốc 100

Bộ Y tế chiều 10-5 ghi nhận thêm 16 ca dương tính với COVID-19 lây nhiễm trong nước. 16 ca mắc mới đều trong khu vực đã được phong tỏa, tại Hưng Yên (6 ca), Đà Nẵng (4), Bắc Giang (3), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1). 

Trước đó, cùng ngày, Bộ Y tế ghi nhận 78 ca nhiễm cộng đồng vào sáng sớm, thêm 31 ca vào buổi trưa. Như vậy, trong ngày 10-5, Bộ Y tế công bố tổng cộng 125 ca nhiễm cộng đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm