Phải tỉnh táo chống dịch COVID-19 kể cả ngày nghỉ lễ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo về nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ tư ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu, thêm vào đó một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam sắp trải qua kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Tây Nam bộ sẵn sàng khi dịch vào

Trong 24 giờ qua, tại Ấn Độ đã phát hiện thêm 340.000 ca nhiễm mới, bức tranh và bối cảnh nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ hết sức đáng quan ngại. Tại Campuchia, trong 24 giờ qua phát hiện trên 600 trường hợp nhiễm COVID-19. Ngay tại Lào, cũng trong 24 giờ, số ca nhiễm phát hiện được vượt qua số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay có thể thấy trên thế giới, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đối với Việt Nam, Bộ Y tế xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch, nhất là khu vực biên giới Tây Nam.

Để không bị động nếu có dịch vào Việt Nam, những ngày qua Bộ Y tế đã thành lập năm đoàn công tác do bộ trưởng và bốn thứ trưởng đến tất cả tỉnh/thành trong khu vực để rà soát tất cả vấn đề liên quan tới việc ứng phó với dịch COVID-19 tại từng địa phương, trọng điểm như Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp…

Đánh giá Tây Nam bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Campuchia, khả năng xâm nhập ca bệnh vào Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đạo BV Chợ Rẫy lập đội phản ứng nhanh xuống khu vực này hỗ trợ, đồng thời thành lập bệnh viện dã chiến ở Hà Tiên, Kiên Giang để có thể chủ động và tích cực ứng phó với dịch bệnh khi có kịch bản xấu xảy ra.

Đi kiểm tra, đôn đốc chống dịch tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, lưu ý để giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian tới, nhất là trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn thường trực, các tỉnh này cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; tăng cường chặt chẽ hơn trong công tác giám sát nhập cảnh, cách ly, không lơ là, chủ quan trong công tác cách ly tại các khu cách ly tập trung, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly; tăng cường công tác truyền thông và gia tăng hiệu quả giám sát.

Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu.
Ảnh: XUÂN TƯ/TTXVN

Các ca COVID-19 đang diễn biến nặng đều không mắc bệnh lý nền

Thông tin từ Tiểu ban điều trị và Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đến sáng 25-4, BV Phổi Đà Nẵng hiện đang điều trị 47 ca dương tính với SARS-CoV-2 từ nước ngoài về, trong đó có ba ca bệnh diễn biến nặng.

Đáng lưu ý là ba ca đều là những người khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền kèm theo nhưng khi mắc bệnh, tình trạng nặng diễn biến nhanh. 

Ba kịch bản chống dịch

Trước nguy cơ dịch xâm nhập luôn hiện hữu, Bộ Y tế đã xây dựng tình huống đối phó với cả ba kịch bản, gồm: Nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này đều được rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra.

“Dù với kịch bản nào thì chúng tôi cũng rất quyết liệt chỉ đạo khu vực này để làm sao khống chế, kiểm soát khi xảy ra dịch, không luống cuống, bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Một trong những bài học thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Nhưng trước việc một tháng qua, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 tại cộng đồng nên thời gian qua người dân đã có yếu tố lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, trong đó nhiều người ra đường không đeo khẩu trang, không thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế. Để đảm bảo an toàn chống dịch, Bộ Y tế đề nghị người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong đó hai yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.

Người dân và tất cả ai thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ để chúng ta có thể kiểm soát tốt tình hình.

Đồng thời, người dân cũng như các cấp, các ngành và các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đây là thông điệp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhiều lần. Theo đó, đối với từng cơ quan, từng đơn vị, nhà máy phải triển khai rất tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Có như thế mới có thể phòng chống dịch tốt.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công điện gửi tất cả tỉnh, TP đề nghị tăng cường tất cả biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để làm sao chúng ta kiểm soát tốt tình hình.

“Chúng tôi khuyến cáo tất cả tỉnh, TP, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh trái phép” - ông Long nhắc lại.

Tại các tỉnh khu vực Tây Nam, người dân nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép cần lập tức báo với chính quyền địa phương, tránh nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng.

99% ca COVID-19 về từ Campuchia đều mắc các biến chủng rất nguy hiểm

Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gen của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc COVID-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Kết quả Viện Pasteur TP.HCM tiến hành giải trình tự gen của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam mắc COVID-19 cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm