Ông Sang đi dọn kênh, chống ngập

Ông Lê Hoàng Sang (khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) là người Sài Gòn gốc. Ông gắn bó với từng bờ đê, con rạch ở đây.

Những dòng kênh rạch trong ký ức tuổi thơ

Tuổi thơ của ông là những buổi chiều cùng với anh em, lũ bạn trong xóm rủ nhau đi tắm kênh, tắm rạch. “Chiều nào cũng vậy, cứ học bài, phụ ba mẹ làm nông xong là lũ chúng tôi lại kéo nhau ra kênh tắm. Tôi nhớ rõ lắm, dòng kênh hồi đó rất sạch, nước trong veo luôn, tôm cá bơi đầy. Tắm xong đứa nào cũng xách theo mấy con cá về làm bữa tối. Đó là thú vui của lũ trẻ chúng tôi hồi nhỏ” - ông Sang kể.

Những tháng ngày đó đã hun đúc trong ông tình yêu mãnh liệt với từng dòng kênh nơi mình ở. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ rõ mọi ngõ ngách, con hẻm dẫn đến từng dòng kênh đã đi qua tuổi thơ mình như kênh Ông Bảy (hay còn gọi là kênh Gò Cà), kênh Bà Hai, kênh Rạch Môn... Kênh rạch với ông như là hơi thở, là mạch máu của TP này. Chính vì thế, khi tận mắt thấy từng ụ rác lớn nằm sát kênh, bao nylon nằm ngổn ngang dưới dòng nước, ông thấy nhói lòng.

“Từ nhỏ lớn lên đều có kênh rạch làm bạn. Bỗng chốc nó đen ngòm và ngập rác, bao bì xả tùm lum dọc mé kênh, không đau lòng sao được” - ông Sang tâm tư.

Muốn giữ lòng kênh luôn sạch như ký ức tuổi thơ của mình, ông Sang chẳng thể đợi ai mà phải tự mình thay đổi trước, từ những điều nhỏ nhất. Ông bắt tay vào việc dọn sạch rác ở nơi mình ở, dọc đường đi, sau đó là ở mé kênh rạch.

Lần đầu tiên ông đi nhặt rác là cách đây hơn tám năm. Một lần, khi đang đi giữa đường, thấy cái bao nylon đựng rác ai vứt nằm ngổn ngang, ông cúi xuống nhặt nó bỏ vào thùng rác. Thấy vũng nước ở trước mặt, sình lầy gây cản trở giao thông, ông hì hục dọn dẹp thật sạch... Không ít lần ông tự tay đào mương, cầm cây đi móc từng cọng rác để làm sạch kênh.

“Mình làm ban đầu là vì mình, sau nữa là vì bà con lối xóm. Làm đâu phải để lấy công gì đâu, thấy mọi người có chỗ ở sạch, không ô nhiễm là tôi vui lắm rồi” - ông Sang nói.

Trưa 3-10, sau trận mưa to kéo dài đổ xuống TP.HCM, ông Lê Hoàng Sang (áo thun trắng) cùng người dân đi kiểm tra các con kênh tại khu phố. Cứ thấy rác ông lại dùng cây để móc rác.  Ảnh: THANH TUYỀN

Nửa đêm đi lặn kênh tìm nguyên nhân cống nghẹt

Khi thấy ông làm, mọi người xung quanh xì xào bảo ông rảnh rỗi đi lo chuyện bao đồng nhưng ông chẳng để ý. “Chỉ mất chưa đầy ba đến năm phút là mình nhặt được bịch rác lên, sao phải nề hà, đùn đẩy trách nhiệm, chờ người này người kia làm. Người ta không làm thì mình làm trước” - ông Sang cười.

Người dân ở đây kể có lần đã giữa khuya nhưng ông vẫn lặn xuống một con kênh gần bờ sông Sài Gòn để tìm cho ra nguyên nhân vì sao cống nghẹt, nước kênh lại đen và hôi. Sáng hôm sau thì thấy ông mang đồ ra đó, hì hục cả ngày trời, đến hôm sau thì cống hết nghẹt, nước cũng hết đen.

Ông Đoàn Văn Báo, người nhiều năm nay cùng ông Sang nạo vét kênh rạch kể: “Có hôm ổng đi đâu giữa đường thấy người kia vứt rác ra đường, ổng chẳng la mắng gì mà sau đó nhẹ nhàng nhặt bịch rác lên, đặt trước cửa nhà họ. Ổng bảo làm vậy không phải là trả thù mà là để họ có ý thức hơn về việc xả rác. Không phải cứ vứt lung tung là được với ổng đâu. Thấy rác thì ổng sẵn sàng nhặt nhưng ổng cũng rất nghiêm khắc trong việc để mọi người ý thức rõ hơn về môi trường sống”.

Kể từ lần đó, mọi người trong khu phố dần có ý thức hơn, không xả rác bừa bãi. Rác nhà ai thì nhà đó gói thật kỹ rồi vứt vào thùng rác, không còn quăng rác qua nhà người khác hay hất ra đường; cũng không mang rác nhà mình ra vứt dọc mé kênh.

“Điển hình như đường số 20 đó. Trước đây dọc bờ kênh là một ụ rác chất đống, hôi lắm, chẳng ai mảy may dọn dẹp gì hết mà còn thẳng tay vứt đầy ra. Ổng thấy vậy, không nói năng gì mà xắn tay áo lên làm, còn vận động người dân tham gia chung. Nhiều người thấy vậy cũng nhảy xuống làm với ổng. Giờ chỗ đó sạch sẽ lắm, không còn mùi hôi nữa” - ông Báo kể thêm.

Đến bây giờ, mỗi khi nghe ông Sang gọi là người dân trong khu phố lại chuẩn bị đủ mọi thứ để tham gia vét kênh, dọn rác.

Ngày 29-9, trong cuộc họp với các sở, ngành và quận, huyện về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 9 và chín tháng đầu năm 2016, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã đề nghị UBND quận Thủ Đức khen thưởng ông Lê Hoàng Sang, trưởng ban điều hành khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, trong nhiều năm qua đã vận động bà con giữ sạch các dòng kênh rạch chảy qua địa bàn. Hằng năm, ông cùng bà con trong khu phố tự góp vốn để nạo vét kênh rạch định kỳ ba lần trong năm, ý thức của người dân trong khu phố rất cao, không có chuyện tự ý xả rác xuống rạch. Ông Khoa cho rằng cần phải nhân rộng mô hình này trên địa bàn các khu phố, quận, huyện khác.

________________________________

Từ những việc nhỏ như vậy, ông Sang dần nghĩ đến mục tiêu dài hơi hơn là làm sao để ngăn ngập khi mưa xuống. Ông bắt đầu tìm hiểu việc xây dựng hệ thống ngăn triều ở mỗi con kênh. Đến nay, ông đã lắp được tám bờ bao ngăn triều ở khu phố của mình; vận động mọi người chung tay xây dựng lại nhiều con đường, nâng đường để tránh ngập…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm