Ông Nguyễn Đình Hương - nhà tổ chức chính trực

“70 năm theo Đảng, tôi chưa bao giờ viết thư cầu xin Bộ Chính trị một việc gì thuộc về lợi ích riêng tư”. Đây là câu mở đầu một bức thư mà ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, gửi Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 6-2018.

Thẳng thắn, không khoan nhượng

Nội dung bức thư chỉ hơn 100 từ nhưng phản ánh đúng con người của ông, “một cán bộ trung kiên, nhà tổ chức Đảng liêm chính, một lão thành cách mạng bình dị”.

Báo chí có lẽ ấn tượng mạnh mẽ bởi các ý kiến trực diện, thẳng thắn, không khoan nhượng của ông trước những vấn đề trọng yếu của Đảng, của đất nước. Những nhà báo từng quen biết, gắn bó với ông Nguyễn Đình Hương, sinh hoạt trong CLB Cà phê Số năm 2019 đã tập hợp các bài phỏng vấn, bài viết liên quan đến ông để ra một cuốn sách.

Cứ tưởng các bài viết đã công khai trên “báo chính thống”, công chúng đã đón nhận nhiệt thành thì xuất bản thành sách là đơn giản. Vậy nhưng mà nhiều nhà xuất bản vẫn lo ngại, đơn giản vì sợ “nhạy cảm, đụng chạm ông nọ, bà kia”… Để rồi khi “Nguyễn Đình Hương - Người con của non sông đất nước” ra mắt bạn đọc vào dịp bước vào tuổi thượng thọ 90, ngày 17-10-2019, ông cảm động nói: “Đây là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”.

Ông Nguyễn Đình Hương lúc đang viết tâm thư gửi cho Bộ Chính trị. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Mình không sạch thì vạch người khác làm sao?”

Đấy là với ông, còn anh em báo chí thì luôn thấy đáng nhớ ở ông, một người luôn trăn trở không chỉ với thời cuộc, mà cả với những câu chuyện xưa cũ, vui buồn nghề tổ chức. Ông nhiều lần tự nhắc lại bài học của mình, khi từng “tiến cử” một người làm bộ trưởng, rồi cũng chính mình kiến nghị “truất chức” chỉ vì người ấy không còn xứng đáng.

Và cũng ông, khi đã ở những ngày cuối cùng của tuổi tác và bệnh tật, vẫn đau đáu tập hồ sơ dày cộp về một sự kiện phức tạp, vốn đã gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử, những mong khôi phục, ghi nhận thành tựu của những người liên quan trong sự kiện ấy.

Ông Nguyễn Đình Hương từ trần vào lúc 16 giờ 10 ngày 3-5, hưởng thọ 90 tuổi. Ông sinh ngày 7-1-1930 ở Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ sớm. 
Năm 1948, ông Nguyễn Đình Hương gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Năm 1956, ông được điều động về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương làm việc tại ban này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007 với cương vị phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa VI và VII. 

Ông được tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Lao động hạng Nhất, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. 

Cuối ngõ 195, Đội Cấn, Hà Nội có khu tập thể cũ của Ban đảng trung ương. Trong căn nhà nhỏ sống cùng vợ đã mấy chục năm, có lần ông kể với cánh nhà báo đến thăm: “Hồi còn đương chức cũng có một vài vị cấp cao vướng vào việc mình được giao nghiên cứu ngỏ lời. Đại ý chỉ cần bỏ qua một vài trang hồ sơ, một vài chi tiết… thì nhà lầu, xe hơi chả là cái gì. Nhưng mình không thể làm thế được. Mình không sạch thì vạch người khác làm sao?”.

Cho nên nghĩ về người đã khuất lúc này, trong tôi nhớ mãi lời khẳng định của ông Nguyễn Đình Hương: “Là một đảng viên cộng sản, cả đời tôi trung thành với lý tưởng mà tôi đã theo đuổi. Tôi đấu tranh đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của Đảng”.

Khước từ lợi ích vật chất để giữ gìn sự ngay thẳng

Ông Hương là người bộc trực, ngay thẳng. Có lần tiếp chúng tôi, khi nói chuyện về công tác cán bộ, ông Hương kể:

“Một lần, ông Mười (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - NV) trách: “Hơn 50 năm cậu làm công tác tổ chức cán bộ mà cậu không chọn được con các ông Bộ Chính trị nào vào Bộ Chính trị”.

Tôi bảo: “Thưa Bác, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương là cơ quan cao nhất của Đảng chứ không phải nơi kết nối con ông cháu cha”. Ông Mười cười.

Thời tôi làm ở Ban Tổ chức Trung ương các cụ nghiêm lắm. Cho nên con ông Lê Duẩn, con ông Phạm Văn Đồng, con ông Nguyễn Văn Linh, con ông Phạm Hùng… có ai vào Bộ Chính trị, vào Trung ương đâu. Ngoại trừ ông Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Mà ông Kỳ xứng đáng là ủy viên Trung ương”.

Có lần ông kể ông được Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng bí thư Đỗ Mười giao cho đi xác minh vụ việc một ủy viên Bộ Chính trị bị tố cáo trong thời gian bị địch bắt ông này đã khai báo với địch làm nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù không dễ dàng gì. Kết quả là ông này bị khai trừ khỏi Đảng, cách hết các chức vụ.

“Vụ việc này chỉ một mình tớ làm, một mình tớ biết, nếu tớ muốn “ăn” thì chỉ cần bỏ đi vài trang tài liệu viết tay là có xe hơi, nhà lầu ngay” - ông Hương kể.

Nhà báo LÊ THỌ BÌNH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm