Ông David Dương: ‘Tôi nhớ quê hương và thèm món mì Quảng’

Người mà chúng tôi đề cập trong bài viết này chính là ông David Dương (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS), ông được xem là “Vua rác” ở Mỹ và cũng là doanh nhân gốc Việt đầu tiên của Mỹ đầu tư về xử lý rác tại TP.HCM.

Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CWS và VWS.

Nhân dịp xuân Nhâm Dần, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện “từ xa” với ông để lắng nghe chia sẻ về cuộc chiến giành quyền thu gom rác ở Mỹ cũng như cuộc chạy đua “con thoi” để giúp đỡ đồng bào Việt Nam trong đại dịch COVID-19…

* PV: Thưa ông, chúng tôi nghe tin “cuộc chiến” giành quyền thu gom và xử lý rác thải ở thành phố (TP) San Jose của California Waste Solutions (CWS) đã thắng lợi lớn theo đúng mong đợi của ông?

+ Ông David Dương: Hợp đồng (HĐ) cũ hết hạn ngày 30-6-2021 và phải tổ chức đấu thầu lại. San Jose là TP thung lũng điện tử, công nghệ cao, lớn thứ 10 của Mỹ. Vì vậy, việc tham gia đấu thầu rất căng thẳng, trong đó chúng tôi phải cạnh tranh gay gắt với cộng đồng người Ý. Nhờ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính nên chúng tôi đã chinh phục được lãnh đạo hội đồng thành phố… và giành thắng lợi gói thầu. Ngày 1-7-2021, CWS đã ký lại hợp đồng thu gom và xử lý rác với TP San Jose, có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. 

Nhìn lại hành trình đấu giá vừa qua, tôi nghĩ đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, hết sức quyết liệt. CWS đã vượt qua được khó khăn một cách ngoạn mục và giành thắng lợi. Ưu điểm lớn nhất của gói thầu của CWS chính là tinh thần và thái độ phục vụ tốt nhất cho cộng đồng dân cư.

Nhân viên công ty CWS thu gom rác tại Hoa Kỳ

Một số điểm mới khác trong hợp đồng, đó là toàn bộ xe thu gom rác sẽ được thay bằng xe chạy nhiên liệu sạch và TP San Jose sẽ chịu trách nhiệm trong công tác phân loại rác tại nguồn. Thành công này cũng chính là sự hãnh diện của cộng đồng người Việt tại Mỹ nhờ tinh thần đoàn kết, không kỳ thị sắc tộc…

* Còn hợp đồng thu gom rác ở thành phố Oakland, thưa ông?

+ Tiểu bang California có ba TP lớn, gồm: San Fransico, San Jose, Oakland. Trong đó, CWS đã ký HĐ 20 năm với TP Oakland vào năm 2015, có trị giá hơn 1 tỷ USD. Hiện TP Oakland đang thương lượng với CWS để gia hạn thêm 10 năm và bổ sung thêm một số hạng mục thu gom. Tin vui nhất là CWS đã mua được miếng đất rộng 14 mẫu tại cầu cảng của TP Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế rác, sau đó xuất khẩu đi các nước. Hiện các thủ tục giấy phép đã được TP Oakland và các sở ban ngành phê duyệt. Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm. Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công việc đang bị chậm lại, việc ký kết gia hạn HĐ với TP Oakland dự kiến hoàn tất tháng 3-2022.

* Tại TP.HCM, để đảm bảo hoạt động xử lý rác thải được tốt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, VWS có những biện pháp gì?

+ Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, VWS đã hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” từ tháng 7-2021 đến tháng 10-2021. Công ty đảm bảo khu sản xuất tách riêng biệt với khu ở, sinh hoạt; đảm bảo đủ điều kiện về ăn, ở, vệ sinh môi trường, tách riêng biệt giữa nam và nữ; đảm bảo PCCC; có hệ thống camera giám sát khu vực công nhân ở 24/24… Đồng thời, định kỳ VWS phối hợp với ngành y tế thực hiện test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR cho toàn bộ công ty.

Bên cạnh đó, ngoài tiền lương tháng, VWS còn hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ngày cho những công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, nhằm giúp họ yên tâm làm việc, vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Hiện tại toàn bộ cán bộ, nhân viên và người lao động của công ty đều an toàn, khoẻ mạnh. Đội ngũ công nhân viên xử lý rác thuộc nhóm tuyến đầu nên đã được thành phố ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ.

* Chúng tôi nghe một tin rất vui là ông đang tìm nhiều cách để có vaccine cho Việt Nam, thật hư như thế nào?

+ Đây là câu chuyện có thật. HĐ thứ nhất có trị giá vài triệu USD vì chúng tôi đặt mua 10 triệu liều vaccine của Mỹ (được sản xuất ở Ấn Độ) với giá ưu đãi. Hiện vaccine này đang chờ WHO chấp thuận (đầu năm 2022). Nghĩa là, vào đầu năm 2022, nếu Việt Nam vẫn cần vaccine thì chúng tôi sẽ chuyển về Việt Nam. Chúng tôi có thể sẽ kêu gọi các mạnh thường quân ở Mỹ hoặc chuyển nhượng lại HĐ này cho Chính phủ hoặc doanh nghiệp của Việt Nam. HĐ thứ hai là cũng với loại vaccine nói trên nhưng chúng tôi yêu cầu nhà sản xuất phải chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này cho Việt Nam.

Nhìn xa hơn, tôi nghĩ dịch bệnh còn có thể kéo dài. Do đó, nếu chúng ta chủ động sản xuất được vaccine sẽ là một lợi thế lớn trong việc tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Với những biến thể virus mới liên tục xuất hiện thì vaccine cũng phải liên tục được nâng cấp. Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu về vaccine cho rằng, về lâu dài vaccine phòng chống virus SARS-CoV2 có thể sẽ được tiêm chủng hàng năm giống như phòng ngừa dịch cúm. Từ nhận định này, tôi đã tìm được nhà cung cấp vaccine tại Mỹ, nhà cung cấp này đã đồng ý chuyển giao công nghệ về Việt Nam sản xuất. Việc tiếp theo là tìm nhà sản xuất trong nước đã có dây chuyền công nghệ sản xuất vaccine tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Nếu mọi việc được thuận lợi, Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vaccine của Mỹ được sản xuất ngay tại Việt Nam.

* Trước tình hình cấp bách, “cứu nhân hơn cứu hỏa” khi quê hương đang bùng phát dịch, ông đã trao tặng 1.250 máy tạo oxy cho Chính phủ Việt Nam, xin ông chia sẻ thêm về nghĩa cử cao đẹp này? 

+ Vào giữa năm 2021, qua báo chí, chúng tôi thấy người dân và chính quyền đang vô cùng khó khăn khi chống dịch, vô cùng đau lòng khi thấy người dân vào BV hay BV dã chiến… nhưng thiếu thốn trang thiết bị, đặc biệt là máy trợ thở oxy. Vì vậy, tôi và gia đình quyết định trích phần lợi nhuận năm nay để tặng 1.250 máy tạo oxy. Tôi muốn san sẻ bớt phần nào nỗi đau và mất mát của người dân. May mắn là ngay sau khi mua được máy thì nhân chuyến đi làm việc tại Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc số máy trợ thở này đã nhanh chóng được chuyển về Việt Nam kịp thời.

* Năm qua, tiến độ thực hiện đầu tư của Dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh Long An như thế nào, thưa ông?

+ Do chính quyền tỉnh Long An đang mong muốn thu hồi dự án để làm khu dân cư, khu công nghiệp… nên chúng tôi chưa thể triển khai các bước tiếp theo của dự án. Tôi xin nhấn mạnh: Dự án này đã được cấp phép và chúng tôi đã đổ tiền vào dự án này nên chúng tôi hy vọng chính quyền tỉnh Long An sớm có ý kiến cuối cùng để chúng tôi tiếp tục triển khai dự án.

Năm nay tôi đã 60 tuổi, nếu dự án này muốn triển khai và hoàn thành cũng cần 7-8 năm. Thế nhưng, nếu cứ mãi chờ đợi như vầy thì nhiệt huyết vì quê hương ngày càng giảm, tấm lòng đóng góp cho quê hương sẽ không còn… Tôi buồn lắm.

* Tấm lòng của cộng đồng người Việt xa quê và thông điệp Tết đoàn viên, thưa ông?

+ Mới đây, khi đến làm việc và thăm cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc luôn kêu gọi Việt kiều hãy hướng về quê hương, hỗ trợ gia đình và chung tay đầu tư xây dựng đất nước… Đây là một thông điệp vô cùng ấn tượng đối với những người con xa xứ như chúng tôi.

Hay gần đây, tôi đi dự lễ khai trương tuyến bay thẳng Việt Nam – California của Vietnam Airlines. Ban đầu tôi nghĩ chuyến bay sẽ rất ít người. Thế nhưng, tôi bất ngờ khi chuyến bay rất đông. Điều này cho thấy, có rất nhiều kiều bào mong muốn trở về Việt Nam, họ nhớ quê hương, họ nhớ Tết Việt. Kiều bào rất vui vì chỉ cách ly tại nhà chứ không phải cách ly ở khách sạn. Họ được sống trong ngôi nhà của gia đình, ấm áp và tình nghĩa. Sau hai năm đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại vì dịch, hiện nhiều doanh nhân Việt ở Mỹ nhìn thấy cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam.

* Cảm xúc của ông như thế nào khi năm hết tết đến nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ông không thể trở về ăn tết tại quê hương?

+ Tôi rất mong muốn sớm về Việt Nam, vừa giải quyết công việc và vì quá nhớ quê hương. Vì vậy, ngay khi Việt Nam ổn định dịch và không còn hạn chế đi lại, cách ly, tôi hy vọng sẽ lại được ăn Tết tại quê nhà. Tôi rất nhớ các món ăn Việt Nam, trong đó tôi thèm nhất là món mì Quảng.

Nhân dịp năm mới, tôi cầu mong dịch bệnh sớm qua đi và chúc người dân Việt Nam có một mùa xuân không còn lo âu vì dịch, an lành, an vui, hạnh phúc bên gia đình và nhiều sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm