Ở nơi tận khổ

Bất cứ một sự sẻ chia nào cũng đều đáng trân trọng. Dù vẫn biết rằng đồ ăn người ta đưa lên không đủ họ no bụng suốt năm, những cái chăn người xuôi đem lên không đủ cho họ thoát lạnh khỏi những ngày đông giá.

Câu chuyện về cuộc sống nhờ nhờ tận khổ của những người dân ở non cao ấy cũng dặc dài như những triền miên đất đá. Một cán bộ dự án thuộc một tổ chức nước ngoài đóng văn phòng ở Hà Giang có lần kể với đoàn chúng tôi. Trên đường vào bản, ông thấy một cô bé ngồi co ro bên vệ đường khi màn đêm đã dần đậm đặc. Dừng xe lại, ông hỏi: “Cha mẹ cháu đâu, sao không về nhà?”. Cô bé chỉ tay về ngút ngàn phía trước ý bảo cha mẹ đang bận rộn nương rẫy. Sực nhớ trong ba lô mình còn có một gói mì tôm dự phòng, ông lôi ra rồi thúc cho cô bé ăn tạm. Thế nhưng cô bé ấy không ăn mà đem giấu gói mì tôm vào trong áo. Hỏi lý do, cô bé mới thật thà đáp: “Để dành về ăn cùng cha mẹ”. Từ đó ông hình thành cho mình một thói quen không đổ đi một bát cơm thừa. Tôi nghe những chuyện ấy giữa bập bùng lửa non cao mà rưng rức thương trào.

Tôi gần như trào nước mắt khi nghe một câu chuyện khác ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đó là chuyện về một người ông đưa cháu ra điều trị. Nhà nghèo, số tiền ông gom góp vay mượn để lo cho cháu mình cũng cạn kiệt theo những ngày giá rét ở thủ đô. Để tiết kiệm chi phí, ông thường phải dõi theo người ta ăn cơm, hễ thấy ai quẳng đi những hộp cơm thừa, ông lại lựa lúc bới ra ăn lại.

Bạn tôi, một người đã có thâm niên chăm người thân hàng năm trời ở một bệnh viện cũng từng kể câu chuyện về người cha chỉ dám ăn một cái bánh mì mỗi ngày. Ông đong đầy nước vào một chiếc lọ nhỏ, mỗi khi đói ông lại vắt một miếng nhỏ của chiếc bánh mì và uống thật nhiều nước để qua cơn đói.

Nhưng trong những cơn đói ấy, may sao vẫn có những “điều no” khác, đó là sự sẻ chia của cộng đồng. Đó là một người bệnh được hỗ trợ hàng chục triệu đồng thông qua các bác sĩ nhưng sau khi nhận xong ông chỉ trích lại một phần cho riêng mình, còn lại xin các bác sĩ để lại cho những người khó khăn hơn. Những bệnh nhân của xóm chạy thận từng góp với nhau những đồng tiền lẻ để giúp một cô bé đồng cảnh ngộ qua cơn đói.

Hình như càng ở nơi tận khổ thì con người càng thấu hiểu và thương yêu nhau nhiều hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm