Nước mắt dưa hấu mùa Tết

Những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngược theo quốc lộ 27 tới thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi theo chân cán bộ phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) vào các vườn dưa hấu của nông dân đang vào vụ thu hoạch.
Dọc đường đi, từng đống dưa đổ bên lề đường mà không thấy người mua.

Nước mắt dưa hấu mùa Tết ảnh 1
Dưa hấu thu hoạch về mà không có người mua.

Nông dân đăng ký "xin bán" dưa

Anh Dương Đăng Minh – Trưởng phòng nói với chúng tôi, dưa bà con thu hoạch mang ra bán mà ít người mua lắm anh. Hôm qua nghe nói có người từ TP Hồ Chí Minh ra “giải cứu” dưa hấu, anh em cán bộ của phòng suốt ngày nghe điện thoại của người dân gọi để đăng ký bán dưa.
Anh cho tôi xem tờ giấy có danh sách của các hộ đăng ký “xin bán”. Nhìn vào danh sách, có hộ 6 tấn, 30 tấn... cá biệt có hộ đăng ký bán 150 tấn, tổng cộng hơn 380 tấn.

Nước mắt dưa hấu mùa Tết ảnh 2
Anh Dương Đăng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn và chị Giang Thị Kim Cúc - Trưởng nhóm bảo vệ môi trường Green Trips tại TP Hồ Chí Minh, đang bàn kế hoạch giải cứu dưa cho người nông dân.

Anh Minh cho biết thêm: Ninh Sơn có 200 ha trồng dưa hấu, người dân đã bán được 2/3 diện tích rồi. Nhiều vườn thương lái đã đặt cọc và hẹn ngày hái, hôm qua người dân thu hoạch xong, thương lái có người bỏ cọc không thu mua nữa, vì họ đi mấy chuyến trước bị lỗ quá; nhưng cũng có người tới chở đủ số lượng theo tiền “đặt cọc” rồi bỏ dưa người dân lại không chở nữa.

Hiện nay người dân đã thu hoạch mấy chục tấn chất đống ngoài vườn, giá hạ từ 1.500 đồng – 2.000/1 kg mà không có ai hỏi mua. Chúng tôi cũng báo tình hình lên các cấp nhờ các doanh nghiệp tới thu mua dùm bà con mà chưa thấy gì, Tết thì cận kề rồi, mấy trăm tấn dưa tiêu thụ trong tỉnh sao hết. Chúng tôi không thua gì người nông dân, lúc nào cũng như thấy mình ngồi trên lửa.
Năn nỉ được mua giá 2000 đồng/kg 
Bên ruộng trồng dưa 7 ha của anh Trần Xuân Thái ở KP 8 Thị trấn Tân Sơn, ngoài số cán bộ phòng NN&PTNT huyện, chúng tôi còn thấy cả nhà sư chùa Tân Sơn và mấy bạn trong nhóm Bảo vệ môi trường Green Trips tại TP Hồ Chí Minh.
Thì ra họ tới đây để làm cầu nối để người dân bán dưa cho các đầu mối ở các tỉnh quanh TP Hồ Chí Minh.

Nước mắt dưa hấu mùa Tết ảnh 3
Anh Trần Xuân Thái vui mừng vì bán được dưa. 

Bên đống dưa xanh mướt vừa hái hôm qua nhưng không có ai tới hỏi mua, anh Thái chỉ ra xung quanh nói: "Tôi làm dưa đã 25 năm rồi, cũng có năm được mùa mất giá, nhưng không có năm nào như năm nay. Tôi đầu tư phân thuốc, xuống giống 7 ha, gặp trúng thời tiết không thuận lợi. Trồng dưa bị mưa nấm, bệnh nên năng suất giảm.

Có người bạn phía bên kia trồng 20 ha mà không thu được 1 trái. Mọi năm tôi thường xuất cho thương lái xuất khẩu qua Trung quốc.
Hiện nay dù Ninh Thuận không có dịch COVID-19 nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch ở phía Bắc, hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đang thông báo dời thời gian mở cửa. Các đối tác Trung Quốc không nhận hàng. Thị trường Quảng Ninh, Hải Dương bị cách ly... Thương lái không tới mua, có người đã "đặt cọc" nay cũng bỏ, lượng dưa tồn đọng của bà con quanh đây nhiều lắm. Với giá cả như thế này, năm nay tôi lỗ cỡ 800 triệu là cái chắc".

Nước mắt dưa hấu mùa Tết ảnh 4
Chị Giang Thị Kim Cúc đang livestream để "giải cứu" dưa hấu cho người nông dân trên mạng xã hội.

Chị Giang Thị Kim Cúc - Trưởng nhóm Green Trips chia sẻ: "Nghe nói bà con ngoài này đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, tụi em bàn với nhau kêu gọi mọi người chung tay "giải cứu".

Hôm nay nhóm chuyển về TP.HCM 2 xe khoảng gần 20 tấn. Lúc nãy anh chủ vườn sợ không mua, nên nói bán cho chúng em 1.800 đồng/kg mà nước mắt anh ấy chảy ra.
Nhìn thấy tội quá, em không nỡ lòng nào nên vẫn thống nhất với các bạn đầu mối trong là mua cho người nông dân theo giá đã thỏa thuận ban đầu là 2.000 đồng/kg”.
Bên đống dưa đã hái không có người mua, cha con anh Huỳnh Văn Thống – ở KP 5 thị trấn Tân Sơn rầu rĩ nói: “Năm nay cha con tôi mới bắt đầu làm dưa. Trồng 6 sào thu hoạch gom về đây mà thương lái không tới mua”.
Nhìn những trái dưa như những con heo con múp míp, da xanh bóng mượt, ruột đỏ tươi ngọt lịm nằm dưới nắng mà xót xa. Đi đâu một hồi anh chạy xe về mừng rỡ nói “Cô kia nói sẽ mua giúp rồi”, rồi hối con lựa cho anh 2 trái dưa về cúng ông Địa đã phù hộ cho anh bán được dưa.
Ông Nguyễn Bá Thanh, nhà ở 268 đường Lê Duẩn thị trấn Tân Sơn, nghe tin có người tới thu mua dưa đôn đáo từ xã Phước Thắng huyện Bác Ái chạy về.
Ông chia sẻ: “Tôi làm dưa cũng được 20 năm rồi, phải vô tận trong đó mướn 3 triệu/ha trong 3 tháng để trồng dưa, trung bình đầu tư cho 1 ha dưa cũng trên trăm triệu đồng.
Mấy hôm trước bán được hơn chục tấn giá 3 ngàn đã rầu lắm rồi, nay giá xuống nữa mà cũng không ai mua. Tôi còn khoảng 10 tấn đã đến kỳ phải thu hoạch, thôi thì giá nào chắc cũng phải bán, chứ để nữa là dưa nẫu ruột bỏ hết luôn”.

Nước mắt dưa hấu mùa Tết ảnh 5
Người dân đang thu hoạch dưa

Khuôn mặt khắc khổ đen nhẻm, vai áo bộ đội bạc phếch, đôi mắt nhìn ra khoảng ruộng dưa vừa hái xa xăm như thầm ước điều gì...

Bên những đám dưa tới lứa, mấy cô gái người dân tộc Rắk Lây vẫn miệt mài hái. Hai chiếc máy kéo vẫn mải miết đi trên đám ruộng lục sục sỏi đá để gom.
Thật kỳ diệu, canh tác trên mặt đất như đường cấp phối toàn đá sỏi thế này, mà cây vẫn cho những trái ngọt. Thế mới biết công sức của người nông dân phải bỏ ra nhiều như thế nào. Đám ruộng phía núi Tà Nang, chiếc máy bơm vẫn sình sịch bơm nước tưới cho đám dưa để ra tết thu hoạch.
Quá trưa bên ruộng dưa vừa hái, những người nông dân nhìn theo 2 chiếc xe chất đầy dưa từ từ lăn bánh về Thành phố, hẳn họ buồn nhiều hơn vui, khi đã bỏ bao tiền bạc công sức, ròng rã 3 tháng vất vả, nâng từng mầm cây, chắt từng giọt nước... và bấy giờ trái ngọt chuyển đi còn trái đắng gặt đem về nhà. Những người trồng dưa ở đây, năm nay chắc sẽ đón 1 cái tết kém vui.
 
263 tấn dưa đăng ký mua 
Chị Kim Cúc lội từ đám dưa này sang đám dưa khác, vừa cầm điện thoại livestream vừa “năn nỉ” mọi người mua dưa giúp ngườì dân.
Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ bừng, chị mừng rỡ chia sẻ “Tới giờ này, các nhóm trong Sài Gòn, Bình Thuận, Bình Phước, Vũng Tàu... đã đặt mua hơn 100 tấn rồi anh...”.
Chị chợt hạ giọng: “Còn hơn 200 tấn nữa sao bây giờ... Tụi em sẽ phối hợp với địa phương chắc phải ráng giúp bà con thôi anh”.
Chuyển cho tôi 1 miếng dưa từ anh chủ vườn, anh Minh chia sẻ: “Sắp tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu, đề xuất cấp trên vận động bà con nông dân và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng nông sản làm ra lại mất giá hoặc không thể tiêu thụ như hiện nay". 

Đến cuối ngày, thông tin chúng tôi nhận được là đã có 263 tấn dưa được đăng ký mua cho bà con nông dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm