Nữ tướng của “Sư đoàn cấy mướn”

Được mệnh danh là “Nữ hoàng đồng ruộng”, hơn 30 năm qua bà Võ Thị Lịch, 64 tuổi, ở ấp Phú Hòa, xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đã luyện nghề cấy lúa cho cả trăm người, mang lại cuộc sống khá giả cho những người cùng làm nghề.

Từ “dì Ba cấy lúa” đến “Nữ hoàng đồng ruộng”

Bà Võ Thị Lịch kể: Trước giải phóng vợ chồng bà từ TP Long Xuyên lưu lạc khắp nơi, mưu sinh “bá nghệ tùy thân”. Sau thời gian di cư kiếm sống, bà tá túc lại xã Bình Hòa và gắn bó với nghề cấy lúa mướn. “Thấy tôi cấy đều tay lại vừa ý chủ ruộng nên tiếng lành đồn xa. Người ta kêu cấy không xuể” - bà Lịch kể về khởi nghiệp cấy lúa.

Ngày trước, gia đình bà sống trong căn chòi với năm người con nheo nhóc ở mương Cả Điền, xã Bình Hòa. 34 năm trước, chồng bà Lịch xấu số ra đi, bỏ lại một tay bà vừa chăm sóc, vừa kiếm tiền nuôi con. “Tôi nghèo xơ xác nhưng luôn tâm nguyện mình phải làm và sống bằng sức mình. Thời đó, tờ mờ sáng tôi mang bụng đói ra đồng cấy lúa. Cấy cho đến màn đêm buông hơi lạnh mới về nhà. Phải làm cật lực vậy mới đủ tiền đong gạo. Có lẽ vì thế mà tay nghề cấy lúa của tôi nâng lên. Lúc đó tôi rất sợ thất nghiệp, chủ yêu cầu thế nào thì làm thế đó, bởi buông ra là cả nhà chết đói” - bà Lịch nhớ lại.

Nữ tướng của “Sư đoàn cấy mướn” ảnh 1

Đội quân cấy lúa của dì Ba Lịch đang lao động trên đồng. Ảnh: VĨNH SƠN

Cái danh “dì Ba cấy lúa” vang xa trong các vùng nông thôn An Giang. Khoảng năm 1986, bà Ba Lịch được nhiều chủ ruộng tín nhiệm, phía Công ty Xuất nhập khẩu An Giang kêu bà cấy lúa Nhật. “Lúc đó tôi huy động hơn chục bà con, trai gái đều có để cấy cho công ty này. Sau khi cấy xong vụ, lúa cho năng suất cao rồi người ta nhớ đến mình. Cứ thế, nơi đây trở thành mối làm ăn của tôi. Từ việc cùng nhau đi cấy này mà chúng tôi tương trợ, chia sẻ nhau cả công ăn việc làm lẫn vun vén tình làng nghĩa xóm. Từ đó bà con nghèo xóm Cả Điền gắn bó nhau lắm” - bà Lịch tâm sự.

Nhờ chí thú làm ăn, không lâu sau bà Lịch thoát cảnh tâm trạng đang cấy lúa trên đồng mà lòng thấp thỏm, đau đáu lo cho con nhỏ ở nhà. “Thuở đó, gia cảnh của tôi không khác mấy với bài ca “Đi cấy”. Người ta đi cấy lấy công, tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề… Tôi trông cho ngày mau hết để về coi năm đứa con mình còn đủ hay chúng té hố vì không người chăm sóc. Bây giờ thì tôi đã cất được nhà và con tôi đều đã lớn. Tôi thấy đời mình vậy là vui sướng rồi” - bà kể.

Để nghề cấy ngày càng chất lượng, bà Lịch bắt đầu tập luyện tay nghề cho những đứa trẻ nghèo không tiền phải nghỉ học. Bà cũng cho các con nối nghiệp. “Bởi thế mà ban đầu là một mình tôi cấy. Kế đến có thêm hơn chục người đi theo làm. Hơn 30 năm qua, tôi đã có trong tay cả “sư đoàn” cấy lúa với 113 người. Người ta phong cho tôi là “Nữ hoàng đồng ruộng” nữa” - bà Lịch khoe.

Nữ tướng của “Sư đoàn cấy mướn” ảnh 2

Vào mùa cấy, bà Lịch nhận cả trăm cú điện thoại từ các chủ ruộng kêu cấy. Ảnh: VĨNH SƠN

Cấy mướn xây nhà, mua xe

Không dừng lại ở chuyện kiếm cơm cho mình, bà Lịch đã nảy sinh ý tưởng hình thành đội quân chuyên cấy lúa mướn. Rồi nhờ sự đoàn kết giữa những người dân nghèo với nhau mà việc làm của bà trở nên thuận lợi. Chủ ruộng hài lòng với nhiều mùa vụ do bà lãnh cấy. Thế là việc làm tới tấp đến với bà.

Từ nhiều năm qua bà trở thành đối tác cấy lúa cho nhiều đại điền chủ, đặc biệt là các nông trại lớn chuyên làm lúa giống, chẳng hạn nông trang của ông Nguyễn Lại Đức, Công ty Lúa giống Bình Minh ở huyện Tri Tôn, hay Công ty Xuất nhập khẩu An Giang. “Bất kể ai kêu chúng tôi đều lãnh cấy nhưng phải ưu tiên cấy cho mấy trang trại lớn vì đó là những mối lớn nhiều năm của mình. Chẳng những ở An Giang mà chủ ruộng ở nhiều tỉnh khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang… cũng gọi điện thoại kêu chúng tôi cấy lúa” - bà Lịch cho biết.

Cái mà bà Lịch cảm thấy mình sống có ích nhất là bà đã giúp được rất nhiều người dân nghèo có việc làm quanh năm. Dù nghề cấy lúa rất vất vả nhưng hễ ai chí thú thì cũng có thu nhập đều đều, đảm bảo cái ăn. “Cả đoàn cấy lúa của tôi từ chỗ lo đói trước mắt giờ ai cũng cất được nhà ở. Ngoài ra, 90% trong số họ đã dành dụm mua được xe gắn máy làm phương tiện đi cấy đồng xa. Cả nhà tôi có 11 người gồm các con và dâu rể đều sống bằng nghề cấy lúa mướn. Các con tôi đứa nào cũng có nhà riêng và xe gắn máy đi cấy” - bà Lịch hồ hởi kể.

Đội quân cấy lúa của bà Ba Lịch ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp khi trong đội lãnh làm nhiều công đoạn của việc dặm cấy. Đội dành ra 30 người nam chuyên nghề gieo mạ và chia mạ cho những người phụ nữ cấy. “Nhờ được tôi đào tạo mà nay tay nghề của dân trong đội ai cũng khá. Hiện mỗi ngày đi cấy tôi đứng trên bờ ruộng chỉ huy, quan sát thấy em nào cấy chưa tốt thì tôi cầm tay chỉ việc. Nhờ làm ăn uy tín mà khoảng chục năm nay, trung bình đội chúng tôi cấy trên 1.200 công đất (120 ha)/mùa. Còn rất nhiều mối khác kêu cấy nhưng chúng tôi làm không xuể, mỗi năm bỏ lỡ cũng 500-600 công. Bình quân một thợ cấy có thu nhập 160.000 đồng/ngày. Chúng tôi làm thuê có ký kết hợp đồng đàng hoàng với mấy mối lớn đó nghen” - bà Lịch phấn khởi.

Nữ tướng của “Sư đoàn cấy mướn” ảnh 3

Một trong năm người con của bà Lịch đã ổn định đời sống nhờ chí thú làm nghề cấy lúa. Ảnh: VĨNH SƠN

Nhiều hoàn cảnh nghèo lưu lạc về Bình Hòa cũng được bà Lịch sẵn lòng chỉ nghề giúp họ mưu sinh. Điển hình như chị Nguyễn Thị Xinh, nhiều năm trước chia tay với chồng, chị phải nuôi bốn đứa con và người mẹ già đau yếu. Từ Cần Thơ đến xã Bình Hòa chưa biết sống bằng nghề gì thì chị Xinh được bà Lịch nhận vào đội cấy lúa. “Giờ cả nhà tôi có ba người đi cấy, thu nhập đủ trang trải trong nhà. Nếu không có dì Ba Lịch chắc tôi còn khó khăn nhiều lắm, vì làm thuê nghề khác ngày có, ngày không. Giờ tôi chỉ mong những người nghèo trong đội như tôi được Nhà nước cho vay tiền mua xe gắn máy đi làm. Bởi hiện thời còn một số bà con phải đón xe buýt, xe ôm đến chỗ cấy lúa. Nghề cấy lúa thì hạ bạc lắm nhưng được phần an ủi là bà con trong đội ai cũng hết lòng đùm bọc lẫn nhau” - chị Xinh tâm sự.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm