Nữ điệp viên Marthe Cohn: “Tôi hài lòng với cuộc đời mình”

Tôi gặp Marthe Cohn trong buổi nói chuyện của bà với khán giả trẻ TP.HCM tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp vào tối 22-11. Nhìn vóc dáng nhỏ bé của Marthe Cohn, khó ai nghĩ nữ tình báo này từng góp phần vào việc phá được chiến tuyến Siegfried giữa Đức và Pháp - được xem là cửa ngõ để quân đội đồng minh có thể tiến vào lãnh thổ Đức. Bởi lẽ ẩn đằng sau vóc dáng đó là một Marthe Cohn dù đã ngoài 90 vẫn giữ được sự dí dỏm, thông minh bên cạnh ánh mắt tinh anh của người nhiều trải nghiệm…

Sau hơn 90 phút nói về quyển sách Đằng sau chiến tuyến của quân thù: Nữ điệp viên Do Thái trong lòng Đức quốc xã (Behind Enemy Lines: The True Story of a French Jewish Spy in Nazi Germany) cũng là câu chuyện cuộc đời bà, Marthe bắt đầu phần giao lưu từ những câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM.

Điệp viên không phải là số phận

. Từ việc rời quê hương đến việc trở thành y tá, tình báo… dường như cuộc đời bà bị cuốn theo lịch sử, chứ không phải do bà hoạch định sẵn?

+ Marthe Cohn: Không, đó không phải là số phận. Nếu được hoạch định sẵn cuộc đời thì tôi cũng sẽ thực hiện cuộc đời tôi y như thế.

. Vậy có nghĩa bà thấy may mắn với cuộc đời đó?

+ Tên gọi Marthe Cohn chỉ có sau khi tôi lập gia đình. Tên đầy đủ của tôi do gia đình đặt là Marthe Hofnung Gutgluck với ý nghĩa hy vọng, may mắn và tôi thấy đời mình cũng đúng như tên gọi.

Nữ điệp viên Marthe Cohn: “Tôi hài lòng với cuộc đời mình” ảnh 1

“Tôi rất vui khi sau 65 năm tôi được trở lại Sài Gòn” - nữ tình báo Marthe Cohn chia sẻ trong buổi giao lưu vào tối 22-11 tại Idecaf, TP.HCM. Ảnh: QUỲNH TRANG

. Một nữ tình báo trở về sau cuộc chiến có khó khăn khi hòa nhập với đời?

+ Không chỉ với một nữ điệp viên mà với một quân nhân bình thường, sự hòa nhập cũng khó khăn nhưng thời gian có thể chữa lành tất cả. Tôi đã làm nhiều việc để cuộc sống có ý nghĩa hơn như trở về nghề y tá trong quân đội, học lái máy bay, đi du lịch… Tôi cũng từng đến Việt Nam vào năm 1946.

Trở lại Việt Nam sau 65 năm

. Bà có thể nói rõ hơn vai trò của bà ở Việt Nam?

+ Sau năm 1945, tôi tiếp tục làm y tá cho quân đội Pháp tại Đông Dương. Tôi đã ở Lào, Campuchia và Việt Nam trong vòng ba năm. Thời gian đó, những y tá, bác sĩ như chúng tôi không chỉ chăm sóc thương binh của quân đội Pháp mà còn chăm sóc cả người dân. Tại Việt Nam, tôi đã ở Đà Nẵng, Quảng Trị, Đà Lạt để làm nhiệm vụ của một y tá. Riêng Sài Gòn, tôi chỉ ghé qua hai lần trong những đợt nghỉ phép.

. Trong 65 năm qua bà có mong trở lại Việt Nam?

+ Tôi mong lắm! Nhiều lần tôi đã dự định trở lại Việt Nam nhưng tôi còn công việc, còn nhiều người thân, họ hàng ở các quốc gia khác cần phải thăm nên lần lữa mãi.

Giờ đây, tôi rất vui khi ở chặng cuối cuộc đời vẫn còn cơ hội trở lại Việt Nam để gặp gỡ mọi người, đặc biệt là để kể cho mọi người nghe về tác phẩm của mình.

. Một nhà văn viết về chính cuộc đời mình sẽ khác nhà văn thông thường như thế nào, thưa bà?

+ Khi viết về mình tức là bạn đang thuật lại những gì đã xảy đến với bạn, với người thân của bạn. Khi đó quyển sách không còn là một tác phẩm hư cấu đơn thuần mà chính là quyển sách về chính cuộc đời bạn.

Quyển sách cuộc đời

. Bà bắt đầu thực hiện quyển sách cuộc đời khi nào?

+ Tôi viết về việc mình tham gia cuộc chiến vì anh cả của tôi. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, anh tôi đã bảo tôi viết sách về thời gian làm tình báo nhưng tôi chần chừ… Tôi không nghĩ mình sẽ thực hiện quyển sách này bởi bất cứ ai sinh ra vào thời chiến đều ít nhiều dự phần vào chiến tranh và tôi chỉ nghĩ mình đang làm nghĩa vụ của một công dân.

Năm 1990, tôi bắt đầu thực hiện quyển sách như một món quà tặng anh tôi đang lâm trọng bệnh.

. Vì sao sách bà lại thực hiện bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Pháp?

+ Từ khi tôi rời Pháp (năm 1958) để sang Mỹ, cuộc đời tôi đã có nhiều thay đổi. Bởi xa Pháp quá lâu, tôi không thể viết một tác phẩm hoàn toàn bằng ngôn ngữ của mình. Trùng hợp nữa là nhà xuất bản tại Mỹ sẵn sàng cử nhà văn Wendy Holden đến ghi lại lời kể của tôi. Chỉ đơn giản thế! (Cười hóm hỉnh)

. Sau quyển sách này, bà có dự định viết thêm?

+ Tôi đã 91 tuổi rồi, những ngày còn lại không nhiều. Trong khi đó, tôi còn quá nhiều công việc, dự định nên thêm một quyển sách nữa quả là khó khăn với tôi.

. Xin cảm ơn bà.

Tôi không xin danh hiệu

Ngoài huân chương Thập tự chinh được trao tại chiến trường vào năm 1945, sau 54 năm kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, bà Marthe Cohn mới được nhận tấm huy chương đầu tiên. Bà nói về điều này: “Tại Pháp, nếu muốn được thưởng thì phải làm đơn và hồ sơ. Tôi không làm đơn xin danh hiệu vì tôi cho rằng nếu xứng đáng thì được thưởng chứ không việc gì phải làm đơn”.

Đằng sau chiến tuyến của quân thù

Đằng sau chiến tuyến của quân thù: Nữ điệp viên Do Thái trong lòng Đức quốc xã (Behind Enemy Lines: The True Story of a French Jewish Spy in Nazi Germany) là câu chuyện dài bắt đầu từ khi Marthe Cohn chào đời đến quãng thời gian bà định cư tại Mỹ.

Sinh ra trong một gia đình người Pháp gốc Do Thái ở tỉnh Lorraine (Pháp), sát biên giới với Đức nên Marthe Cohn nói thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Đức. Khi chiến tranh xảy ra, 30 người thân, họ hàng của Marthe đều bị chuyển đến các trại tập trung, bà đang học tại TP Marseille nên không bị bắt.

Trong thời gian học nghề y tá, Marthe đã gặp và đã yêu Jacques Delauney. Sau khi tốt nghiệp, họ hứa hôn. Cả hai trở thành thành viên Tổ chức kháng chiến miền Nam Pháp. Sau đó, đường dây hoạt động kháng chiến ở Marseille bại lộ, Jacques bị bắt và tử hình.

Nữ điệp viên Marthe Cohn: “Tôi hài lòng với cuộc đời mình” ảnh 2

Bìa Đằng sau chiến tuyến của quân thù bằng tiếng Pháp. Ảnh: RADIO – FRANCE

Bà đã nhận nhiệm vụ của Tổ chức kháng chiến miền Nam Pháp để hoạt động xung quanh khu vực Paris dưới quyền chỉ huy của Trung tá Pierre Fabien - Chỉ huy tình báo của quân đội Pháp. Giỏi tiếng Đức, biết nghề y tá, Marthe được Trung tá Pierre Fabien đào tạo thành một điệp viên. Marthe tạo ra một lý lịch giả là nữ y tá của quân đội Đức đang tháo chạy về hướng đông và được Quân đoàn 2 (Lực lượng vệ quốc - Wehrmacht) tiếp nhận…

Với tay nghề y tá, Marthe chiếm được sự tin tưởng của quân Đức và sớm trở thành trạm trưởng một trạm y tế dã chiến. Nhờ đó, bà có những thông tin về những trận phản công của Đức với các nước đồng minh. Bà đã giúp Bộ Tư lệnh quân Đồng minh tổ chức tấn công làm thất bại cuộc phản công lớn cuối cùng của quân Đức ở mặt trận phía tây vào cuối tháng 11-1944. Nhờ công bà, quân Đồng minh đã phá được chiến tuyến Siegfried và tiến vào lãnh thổ Đức từ cuối tháng 1 đến 5-1945.

Vài năm sau, Marthe quyết định trở về với nghề y tá vốn là chuyên môn. Năm 1950, Marthe chuyển đến một bệnh viện tại Genève (Thụy Sĩ). Tại đây, bà kết hôn với ông Lloyd Cohn - một bác sĩ người Mỹ. Năm 1958, họ về Mỹ sinh sống đến nay.

Bà đã được chính phủ Pháp trao tặng huân chương Thập tự chinh (1945), huy chương Quân nhân (1999), huân chương Bắc đẩu bội tinh Ngũ đẳng (2004) và huy chương Danh dự (2006).

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm