Nông dân yêu cầu thủy điện bồi thường thiệt hại vì xả lũ

Theo Hội nông dân Lâm Đồng, chỉ trong vòng 4 ngày đầu tháng hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ, ước tính thiệt hại cho ngành nông nghiệp lên tới 23 tỷ đồng, trong đó hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị tổn thất hoa màu, cà phê nhiều nhất. Trong cuộc họp chiều qua, ông Đinh Ngọc Hùng, Phó bí thư kiêm Phó chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, sau khi hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ, có hàng nghìn gia súc, gia cầm, 640 ha rau và 188 ha lúa đang vào vụ thu hoạch bị mất trắng. Ước tính thiệt hại ban đầu của Đơn Dương khoảng 22 tỷ đồng. Ông Hùng nói: "Từ trước tới nay huyện và công ty thủy điện chưa có một cơ chế phối hợp nào. Nước nhiều thì thủy điện xả và dân bị lụt, còn mùa khô hồ lại đóng kín làm nông dân thiếu nước sản xuất. Như vậy là người dân phải gánh chịu thiệt hại kép"


Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội nông dân Lâm Đồng bức xúc: “Năm nào đến mùa mưa, các hồ thủy điện cũng xả lũ để bảo vệ tài sản của họ, còn nông dân thì lại gánh chịu thiệt hại mà không được bồi thường. Nông dân sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung, nhưng không vì vậy mà bắt nông dân cứ phải chịu đựng thiệt thòi".Chủ tịch Hội nông dân Lâm Đồng cho rằng, nếu không có cơ chế xử lý rủi ro, hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại do thủy điện xả nước gây ra thì nông dân sẽ không đồng tình. Họ cũng sẽ không chấp nhận di dời để xây dựng các công trình thủy điện.

Theo ông Việt, các hồ thủy điện hiện nay không giữ vai trò điều tiết nước. Chẳng hạn, thủy điện Đại Ninh có một cống xả theo thiết kế là 3 m3 một giây, nhưng về mùa khô lâu lâu mới xả, chủ yếu là đóng, dẫn tới hạ lưu của hồ khô khốc."Hội nông dân đang làm kiến nghị gửi UBND tỉnh, đề nghị ngành điện phải bồi thường cho nông dân Lâm Đồng. Hội cũng đã tiến hành thống kê thiệt hại do việc xả lũ từ các hồ thủy điện gây ra", ông Việt nhấn mạnh.

Đại diện hai Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng có 57 công trình thủy điện lớn nhỏ. Trong đó đã có 8 nhà máy thủy điện hoạt động. Việc phát triển thủy điện ồ ạt có tác động không nhỏ đến môi trường, thậm chí đe dọa, gây nhiều tác hại, ảnh hưởng đến nguồn nước, gây diễn biến xấu.Ông Mai Nam Dương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 1993 hồ Đa Nhim đã phải xả lũ 1.800 m3 một giây. Đợt xả đầu tháng 11 này là 500 m3 giây. Theo thiết kế, mực nước trong hồ vượt cao trình là phải xả. Tuy nhiên hiện nay địa hình sông suối thay đổi nên mức xả lũ không nhiều vẫn có thể dẫn tới thiệt hại lớn.

Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Nguyễn Đức Hưng cho rằng, nếu thủy điện xả lũ trái pháp luật thì phải yêu cầu ngành điện bồi thường thiệt hại. Trường hợp thủy điện không vi phạm khi xả lũ thì cũng nên bàn bạc để có hướng hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Ông Hưng nói: "Vì đây là vấn đề cần được tính toán hài hòa giữa các bên liên quan đảm bảo cho việc phát triển kinh tế xã hội".

Theo Quốc Dũng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm