Nỗi buồn Crystal

Khu này được che chắn đã lâu - từ năm 2002 nhưng đến năm 2007 mới có giấy phép xây dựng và cho đến nay vẫn còn che chắn. Chắc đợi tàu điện ngầm có mặt cho vui chị, vui em…

Những người sống lâu ở TP này chắc hẳn không quên cách đây 15 năm, ngày 29-10, đã xảy ra một vụ hỏa hoạn kinh hoàng trong một trung tâm thương mại thuộc loại lớn nhất nhì của TP: Khu thương mại ITC (International Trade Center). ITC là một tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm, tọa lạc trên khu đất được bao bọc bởi các trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn tại quận 1, TP.HCM. Tòa nhà có sáu tầng lầu, tổng diện tích 6.500 m² với 59 văn phòng cho thuê và vừa như một trung tâm mua sắm với 172 quầy mua bán vàng bạc đá quý. Ngoài ra tòa nhà còn có một vũ trường, sân trượt băng, nhà hàng và căn tin. Vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng 60 người và làm 70 người khác bị thương trong một đám cưới giữa trưa chỉ vì những ánh lửa hàn của người thợ hàn bất cẩn…

Thương xá Tam Đa xưa. Ảnh: Internet

Lứa tuổi chúng tôi được biết khu thương mại này từ năm 1968. Trước đó, dân “sành điệu” thường mua sắm tại khu thương xá Tax, Eden hay Sài Gòn Departo. Nhưng từ khi khu thương mại này mọc lên với cái tên Crystal Palace - tên Việt được gọi là thương xá Tam Đa vì có tượng ba ông Phúc, Lộc, Thọ được đặt ngoài cửa ra vào như để chào đón mọi người, dân Sài Gòn có thêm một địa điểm để mua sắm, để bát phố chiều Chủ nhật. Khu Crystal Palace đã nằm trên cửa miệng những chàng trai, cô gái chứng tỏ mình là dân chơi thứ thiệt…

Phải nói Crystal Palace là một khu thương mại đắc địa, tọa lạc trên khu đất được bao bọc bởi các trục đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn tại quận 1. Khu thương mại này được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ông là người đã thiết kế nhiều công trình xây dựng lưu dấu ấn đầy giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nổi bật là dinh Độc Lập (1961-1966), Viện ĐH Huế (1961-1963), Viện Nguyên tử Đà Lạt (1962-1965, nay thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), Khu công nghiệp An Hòa Nông Sơn, Nhà máy dệt Phong Phú, khách sạn Hương Giang 1 tại Huế (1962)…

Crystal Palace khác với những khu thương mại trước đó bởi nơi đây không chỉ buôn bán mỹ phẩm, hàng thời trang cao cấp mà còn là nơi những người yêu văn, yêu nhạc đến để gặp mặt những thần tượng của mình. Khu vực lầu một là quầy bán sách của một nhà văn có tiếng thời ấy. Bên cạnh đó là quầy bán băng nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Mỗi khi có dịp ra băng mới người ta thấy có mặt ông và cả người vợ xinh đẹp là cô phát ngôn viên truyền hình Như Hảo. Lên lầu hai, dân mê nhạc trẻ sẽ không bỏ qua phòng thu băng hiện đại của Jomarcel phối hợp cùng kịch sĩ Nguyễn Long. Nơi đây, những cuộn băng nhạc trẻ nước ngoài, Việt được chàng ca sĩ Jo thực hiện bằng những kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó. Những người không tiền, chỉ dư sức khỏe rảo bước vào Crystal Palace vẫn có thể thơ thẩn ngắm nhìn những quầy sách, những cuộn băng nhạc mà không chút áy náy về thành phần xuất thân dân nghèo thành thị của mình.

Sau năm 1975, nơi này được giao cho ông Charles Đức làm Intershop (vệ tinh của Imexco) - một cơ quan quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu và kiều hối. Sau một thời gian, khu vực Intershop được giao lại cho Công ty Cosevina. Do công ty này làm ăn không hiệu quả nên Intershop bị giải thể vào năm 1991. Định mệnh đã giao cho Công ty Vàng bạc Đá quý TP.HCM lãnh trọng trách điều hành lại cơ sở này từ năm 1992 với tên là ITC. Và đến năm 2002, một trận hỏa hoạn khủng khiếp thiêu rụi Crystal ngày xưa…

Vài năm nữa, đây sẽ là một khu thương mại sầm uất theo dự án từ năm… 2007. ITC, Crystal ngày xưa không còn nữa. Chỉ còn chăng là khi ta nhớ đến những con người đã ra đi trong biển lửa của buổi trưa đầy nỗi buồn ấy!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm