Những người già phải bỏ nhà, xin vào mái ấm

Ở mái ấm, có người mẹ đã phải đau đớn chịu cảnh con cái hắt hủi, hành hạ mệt nhoài cả thể xác lẫn tâm hồn. Ai hỏi bà cũng cắn răng mà nói rằng: “Tôi không có gia đình, tôi neo đơn”...

Chôn giấu nỗi đau gia đình

Đã hơn bảy năm sống tại Mái ấm Thiên Ân (thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM), cụ bà Nguyễn Thị Sang dù đã quá cái tuổi 97 nhưng vẫn vui vẻ, khỏe mạnh. Như bao cụ bà khác, mỗi lần thấy có người đến thăm, bà Sang vui vẻ hẳn ra, tíu tít kể rất nhiều câu chuyện cho khách. Bà Sang kể từ ngày chồng mất, bà không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, con cái thì đi làm ăn xa.

“Năm 2009 tôi được giới thiệu đến Mái ấm Thiên Ân, người ta ban đầu bảo nó là trại dưỡng lão, coi chừng vô đó bị đánh đập. Nhưng vì không biết đi đâu nên tôi cũng liều tới, may sao ở đây khác với những gì họ nói. Ngày nào cũng có các bà cụ, có các soeur chạy ngược chạy xuôi chăm lo từng bữa ăn, từng ti tí thứ vụn vặt cho các bà chúng tôi. Rồi tôi ở đây luôn. Thêm ba năm nữa là tôi đủ một đời người, chỉ mong vậy thôi. Lúc đó chỉ mong các soeur ở đây mạnh khỏe để đùm bọc những người già, yêu thương các bà, các cụ vô điều kiện” - bà Sang tâm sự.

Trước gia đình bà Lê Thị Bích (quê Thanh Hóa) là một gia đình tiểu thương khá giả ở Hà Nội, buôn bán nhỏ lẻ ở chợ. Cuối năm 2008, trong một ngày đi bán về, hai vợ chồng bà bị tai nạn giao thông. Chồng mất, còn bà phải cưa bớt một chân.

Những cụ còn sức khỏe đang phụ làm tỏi tại Mái ấm Thiên Ân. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Tôi từ một người trụ cột làm ra tiền bỗng sau hai năm điều trị lại trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu, vướng víu tay chân con cái. Tụi nó đứa nào cũng có gia đình, có con nhỏ. Rồi tôi trở thành gánh nặng, trở thành vấn đề khiến chúng cãi cọ. Quẩn đời, tôi gom đồ vào Nam đi bán vé số. Vào đây, tôi lang bạt kiếm cơm nhưng khó khăn chồng chất, đủ thứ bệnh ập lên đầu. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết nhưng rồi cũng vực dậy khỏi cái suy nghĩ ấy” - bà Bích ngậm ngùi.

Có dịp lui tới Mái ấm Thiên Ân, bà Bích cảm mến cách chăm sóc người già ở đây nên xin vào mái ấm sống chung. “Các cụ, các bà ở đây vui vẻ, thân thiện và tôn trọng mình lắm. Ngay cả các soeur trẻ còn thương quý mình hơn cả con cái mình. Mình thấy đây là gia đình mình, muốn gắn bó và bảo vệ nó…” - bà Bích kể.

Đêm nào cũng thức chăm…

Ra đời cách đây 23 năm, Mái ấm Thiên Ân còn là nơi tìm đến của nhiều thế hệ các soeur, các chị đem lòng mến gia đình nhỏ bé này.

Ba mẹ mất sớm, sống một mình từ khi còn rất nhỏ. Chị Nguyễn Thị Thắm (Bình Dương) tất tả đủ mọi việc, từ bán vé số, bán nước, tạp hóa kiếm sống qua ngày. Chị Thắm có dịp đến Mái ấm Thiên Ân cách đây gần hai năm. Ban đầu chị đăng ký vào phụ giúp các soeur lo cơm nước, giặt giũ cho các cụ. Cứ sáng đến, chiều lại về nhưng sau một thời gian ngắn, chị quyến luyến với nơi này rồi xin ở lại.

Mái ấm có 12 soeur làm việc cố định cùng với một số tình nguyện viên. Công việc chăm sóc 164 cụ là cả một bài toán khó. Ngoại trừ khoảng 40 người khỏe mạnh phụ làm việc nhà thì hầu hết các cụ đã yếu, đến giờ ăn phải bón chăm. Có gần 20 cụ gần như liệt hoàn toàn, mỗi sáng các soeur phải thay thuốc, lau người và trở mình thường xuyên cho các cụ để tránh lở loét. Đêm nào cũng phải có người trực để thay tã, chăm sóc những cơn đau đầu, nhức mỏi của người già.

Động lực để những người như chị Thắm gắn bó nơi đây đến giờ này chính là được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các cụ, nhìn thấy người già sống bình an và ra đi thanh thản.

Những ngày này, mái ấm ấm hơn với những đèn trang trí và nhiều người tìm đến trong mùa Noel, mùa của chia sẻ yêu thương.

Trung tâm Bảo trợ người già Thiên Ân (dòng Trinh Vương Mẫu Tâm) là một trong bốn cơ sở Công giáo chăm sóc người cao tuổi tại TP.HCM không nhộn nhịp, tấp nập người ra vào.

Thành lập từ năm 1993, xuất phát từ lòng thiện tâm của một số nữ tu, họ đứng ra quy tụ những người già vô gia cư, neo đơn không nơi nương tựa đến ở, sinh hoạt như một gia đình tư nhân trong giáo xứ.

_______________________________________

Tôi thấy cuộc sống bên ngoài nặng nề quá. Tôi vào đây xin phụ việc, lo cho các cụ đánh răng, rửa mặt, phụ nấu cơm, quét nhà. Ở đây mọi người làm từ cái tâm, cái lòng chứ không có lương nhưng tôi cảm thấy mình thanh thản, thoải mái. Nhìn các cụ vui khỏe, mình cũng cảm thấy vui.

Chị NGUYỄN THỊ THẮM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm