Những chiếc dép tổ ong trong phòng chiếu phim

Hôm qua, các em lần đầu tiên trong đời được xem một bộ phim điện ảnh chiếu rạp trên màn ảnh lớn. Sau những trò chơi khởi động là những tiết mục văn nghệ đậm chất địa phương. Khi màn chiếu phim được đem lên sân khấu chính, ánh đèn dần tắt và màn chiếu sáng lên, có tiếng học sinh reo: “Ô, cái tivi to quá!”. Đối với tất cả học sinh ở chốn núi non này xem tivi cũng không phải là chuyện ngày nào cũng có thì xem phim trên màn ảnh lớn là một điều xa xỉ.

Tiếng ban tổ chức vang lên: “Ở TP, khi xem phim trong rạp mọi người thường uống nước suối và ăn bỏng ngô, hôm nay các cô cũng đem bỏng ngô lên cho các con ăn khi xem phim nhé”. Tất cả ồ lên hưởng ứng.

Một chút lộn xộn diễn ra khi ai cũng háo hức được cầm trên tay phần bỏng ngô của mình. Rất nhanh sau đó, không gian còn lại chỉ còn là tiếng nói vọng ra từ bộ phim đang chiếu và tiếng cười giòn tan của các em.

Đó là không khí mà chương trình “Điện ảnh cho mọi người” do Công ty CGV phối hợp với Bộ VH-TT&DL và các đơn vị liên quan tạo ra tại ba tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên.

Sau khi rời Bát Xát, những người làm chương trình đến với Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sa Pa (Lào Cai) (ảnh). Đêm ở huyện Sa Pa lạnh hơn nhiều, nhiệt độ xuống đến 11 độ C. Khác với trường thứ nhất, lần này phim được chiếu trong một căn phòng nhỏ. Phía ngoài gió vẫn thổi hắt mang theo gió lạnh chỉ chực ùa vào trong. Có lẽ điều kiện kinh tế ở địa phương này nhiều khó khăn hơn mà chúng tôi quan sát thấy nhiều em nhỏ mang những đôi dép tổ ong trong trời giá lạnh.

Dù khác nhau như thế nào đi nữa thì tất cả các em có lẽ đều “đói điện ảnh” như nhau. Vẫn những đôi mắt hau háu như dán chặt vào màn ảnh, vẫn những tiếng cười bật ra đầy sảng khoái, những bàn tán râm ran sau khi phim kết thúc…

Trên đường về, tôi hỏi một thành viên ban tổ chức rằng sao không tổ chức chương trình ở những điểm trường xa hơn, nơi học sinh vẫn phải học trong những chiếc lán dựng tạm. Đại diện ban tổ chức bày tỏ: Đó vẫn là niềm mong mỏi, tuy nhiên những điểm trường xa chỉ có rất ít học sinh, nếu tổ chức một chương trình mà số lượng ít thì đối tượng thụ hưởng cũng không được nhiều. Thế mới biết ngoài việc cần một tấm áo ấm, một bữa cơm có thịt thì học sinh miền núi cũng cần những bữa ăn tinh thần như điện ảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm