Những ‘ca khó’ khiến hòa giải viên muốn… đứt hơi

Trong cuộc sống đô thị muôn màu muôn vẻ, hòa giải viên gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười. Nhưng họ có thể hóa giải được hết nếu vận dụng tốt các nguyên tắc hòa giải vào các tình huống cụ thể.

“Chỉ cô Minh nói tui mới nghe”

Gia đình bà NTC bán hủ tiếu trong hẻm 153 Cao Thắng (quận 10). Chồng bà thường uống rượu và đập phá đồ đạc. Đánh chửi nhau xong, họ quay ra kiếm chuyện với hàng xóm. Mỗi lần ông “quậy”, bà C. lại phải nghỉ bán vài hôm để đi mượn tiền mua sắm lại đồ đạc.

Bà Lê Kim Minh, hòa giải viên phường 11, quận 10, giới thiệu cho gia đình bà C. vay vốn ngân hàng chính sách. Mỗi khi có chương trình tặng quà cho người nghèo, bà Minh đều đề nghị đưa bà C. vào danh sách được giúp đỡ. Vì vậy, bà Minh trở thành “người nhà”.

Con hẻm yên tĩnh, trật tự một thời gian rồi náo loạn bởi chồng bà C. tiếp tục đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc. Bà Minh lại đến hòa giải. Họ ngồi im nghe, hứa sẽ không gây phiền tới hàng xóm nữa và nói: “Chỉ có cô Minh nói tui mới nghe”.

“Quậy” xong là gọi cho hòa giải viên

Chị Võ Thị Phương Lan, hòa giải viên phường 5, quận 3, từng đau đầu với một gia đình hễ có chuyện gì, người vợ cũng gọi cho chị, kể cả nửa đêm.

Chị vợ tên NTH, được mọi người gọi là “hoa hậu” của khu phố. Tính chị H. sôi nổi và hay lấn lướt chồng. Trong một lần đòi đi chơi, anh không cho đi vì con còn nhỏ, chị đã nổi giận… đánh chảy máu mũi chồng. Sau đó chị đòi ly hôn. Chồng chị H. đồng ý chia tay thì chị này lại ôm con bỏ trốn để chồng hoảng hốt đi tìm. Hết tiền, chị quay về nhưng chồng chị không chấp nhận sống chung nữa, chị đồng ý giao con cho anh rồi quen bạn trai mới. Được một thời gian chị lại về “bắt cóc” con dù bé đang đi học. Chị ra điều kiện chồng cũ muốn gặp con phải “nộp tiền”. Chồng cũ nhờ chị Phương Lan hòa giải. Chị Phương Lan thuyết phục chị H. nên giao con cho chồng cũ vì anh có điều kiện ổn định lo cho con. Hòa giải thành, chị H. giao lại con cho anh.

Nhưng thỉnh thoảng hết tiền, chị lại “bắt cóc” đứa trẻ gây áp lực với chồng cũ và gọi điện thoại thông báo với chị Phương Lan. Khi anh có gia đình mới, chị lại tới “quậy” đòi quay về. Những lần như vậy, chị H. lại gọi điện thoại cho chị Phương Lan nhờ hòa giải. Chị Phương Lan lại kiên nhẫn khuyên nhủ, phân tích để chị H. kiềm chế sự nóng nảy, bồng bột của mình, ngưng tranh chấp quyền nuôi con…

Vận động… bồi thường chó cắn

Hẻm 317 đường Âu Dương Lân (khu phố 5, phường 3, quận 8) một thời gian dài mệt mỏi vì hai hàng xóm bỗng xích mích lớn. Chuyện là anh T. đi sang nhà hàng xóm bị con chó nhà chị P. chạy tới cắn. Chị P. chạy ra xin lỗi, giục anh đi chích ngừa rồi chị sẽ trả tiền thuốc. Vợ chồng anh T. đi bệnh viện xong, cầm hóa đơn 1,2 triệu đồng về đưa cho chị P. thì chị P. tuyên bố… xù tiền.

Nhiều lần qua đòi tiền không được, hai gia đình xích mích cự cãi, không nhìn mặt nhau, khiếu nại tới phường. Ông Hồ Văn Anh, hòa giải viên của phường, đến thăm cả hai gia đình để nghe hai bên trình bày. Vợ chồng anh T. cho biết gia đình mình khó khăn. Số tiền chích ngừa quá lớn, đã vậy hàng xóm còn có thái độ kỳ cục nên vợ chồng anh rất ức chế. Về phía chị P., gia cảnh cũng khó khăn, không ngờ số tiền thuốc lại quá lớn. Khi hàng xóm qua làm dữ khiến chị bực mình nên… xù tiền luôn.

Ông Anh nhẹ nhàng phân tích với chị P.: “Đây là lỗi của chị do nuôi chó mà không nuôi nhốt cẩn thận. Mình phải có trách nhiệm với người ta”. Rồi ông qua nhà anh T. khuyên: “Mình nghèo, người ta cũng nghèo. Chuyện xảy ra nên coi như tai nạn, bớt bớt xuống một chút cho người ta nghe”.

Sau đó hai gia đình đồng ý làm lành, chị P. bồi thường cho hàng xóm nửa số tiền. Vợ chồng anh T. không khiếu nại nữa. Ông Anh còn giới thiệu việc làm cho chị P. để chị có thu nhập ổn định. Cả khu phố thở phào.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Trong các mâu thuẫn gia đình mà tôi gặp phải, tôi luôn tìm hiểu mâu thuẫn xảy ra do tính cách hay do tiền bạc, có thể bao gồm cả hai. Có những cặp tính cách khác nhau, rất khó hòa hợp, tôi gặp riêng từng người. Với đàn ông, tôi nói với họ về trách nhiệm, nghĩa vụ của đàn ông trong gia đình. Trong các cuộc tranh cãi, đàn ông nên nhường nhịn vợ một chút. Rồi tôi gặp người vợ, khuyên họ bớt cằn nhằn, lựa lời nói đúng lúc với chồng thay vì tranh cãi. Khi cả hai chịu nghe hòa giải viên rồi, thấm rồi thì cuộc hòa giải song phương sẽ dễ dàng thôi.

Còn nếu mâu thuẫn bắt nguồn từ áp lực tiền bạc, người trong cuộc dễ ức chế và đổ lỗi cho nhau. Lúc này mình phải giúp họ tìm kế sách làm ăn, ổn định cuộc sống.

Nhưng cũng có những người tính cách rất khó thay đổi, nhất định không nhường nhịn, cố chấp. Họ chỉ tìm đến hòa giải viên khi người kia không có cơ hội hàn gắn. Lúc này mình phải giúp họ tự nhận ra giá trị bản thân để có ứng xử phù hợp, không gây thêm rắc rối cho họ và người khác. Có người sau ly hôn vẫn quay lại nhà cũ “quậy”. Mình nói cho họ biết mình hiểu rõ sự tổn thương trong lòng họ nhưng họ cũng có những giá trị riêng để tự tôn, giữ gìn thay vì trả thù hay “quậy” cho đã. Tôi cũng tìm gặp những người có ảnh hưởng với họ để người ta nói giúp, tác động thêm.

Khi hòa giải các mâu thuẫn hàng xóm láng giềng cũng vậy. Mình luôn nghe và đồng cảm với họ. Sau đó tìm hiểu nguyên nhân tại sao, cần xử lý trên nguyên tắc nào, làm sao nói để họ chịu nghe. Đủ tình đủ lý thì họ sẽ nghe theo.

Ông NGUYỄN NGỌC TÂM, hòa giải viên giỏi cấp quận, hiện là hòa giải viên phường 6, quận 3

______________________________

“Mỗi khi hòa giải các mâu thuẫn gia đình, tôi luôn đặt quyền lợi của trẻ em trước hết, rồi quyền lợi của người phụ nữ… Giá mà người lớn ai cũng biết nhường nhịn một chút, đặt cái tôi của mình thấp một chút thì đã giữ được gia đình yên ấm” - chị Phương Lan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm