Nhiều lao động Việt sang Hàn không biết làm nghề

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo Chính phủ kết quả thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

Theo đó, hiện nay có 847 người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc. Công việc chủ yếu là trồng trọt và thu hoạt rau, củ, quả. Thu nhập bình quân của người lao động trong ba tháng khoảng 80-100 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí.

Lao động tỉnh Hà Nam chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm thời vụ. Ảnh: Thanhnien.vn

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá công tác tuyển chọn, đào tạo lao động tại một số địa phương còn bất cập và chưa có biện pháp hiệu quả trong việc đảm bảo thực hiện hợp đồng của người lao động. Có tình trạng người lao động không biết làm nghề nông nhưng vẫn được địa phương tuyển chọn, đưa đi.

"Vì vậy mới xảy ra tình trạng một số lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bởi họ sang Hàn Quốc không vì mục đích lao động thời vụ… Trong đó, Thái Bình có năm người, Đồng Tháp ba người. Riêng tỉnh Bình Thuận có tới tám người và hiện phía Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động địa phương này do tỉ lệ bỏ trốn cao” - Bộ LĐ-TB&XH thông tin.

Với những khó khăn trên, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Bên cạnh đó, giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương ký kết, triển khai, tuyển chọn, đào tạo, hỗ trợ người lao động và các khoản chi phí trước khi đi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), từ năm 2018, Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Theo đó, người lao động được đưa sang Hàn Quốc làm việc trong vòng ba tháng. Chi phí mỗi chuyến đi khoảng 20-30 triệu đồng.

Tính đến tháng 7-2019, có bốn tỉnh, thành phố đã ký kết và triển khai việc đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Cụ thể, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam và Thái Bình. Ngoài ra, còn có năm địa phương đang xúc tiến ký kết thỏa thuận trong thời gian tới là Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Thuận, Hà Tĩnh và Kon Tum.

"Đây là chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp, người lao động không được làm công việc khác. Visa chương trình này là visa C4, chỉ có hạn ba tháng và không thể chuyển đổi sang visa du lịch hay thương mại…” - Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm