Nhiều HCV Olympic, nền giáo dục nước ta đứng ở đâu?

TS Nguyễn Viết Đông, Trưởng bộ môn Giáo dục Toán họ Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, đã có cuộc trò chuyện với PV báoPháp Luật TP.HCMxung quanh những thành tích cao của các học sinh (HS) Việt Nam tại kỳ thi Olympic quốc tế.

Đây là thành tích đáng tự hào về việc bồi dưỡng tài năng

. PV: Thưa ông, vừa qua đoàn Việt Nam có 8 em HS tham gia kỳ thi Olympic Vật lý châu Á, tất cả đều đoạt huy chương, trong đó một nửa là HCV. Có thể nói là việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên của chúng ta rất tốt?

+ TS Nguyễn Viết Đông: Đây là một thành tích rất tốt, rất đáng tự hào về việc phát hiện, bồi đưỡng và đào tạo HS giỏi của chúng ta. Những em HS sau khi được bồi dưỡng phải nói là rất giỏi, thật sự giỏi. Tôi đã tiếp xúc những lứa HS giỏi quốc tế từ những năm 1979 như anh Lê Bá Khánh Trình, phải nói sự khen ngợi, vinh danh những tài năng như vậy là rất xứng đáng. Trong thể thao còn có yếu tố may mắn chứ trong các kỳ thi HS giỏi Olympic gần như không có yếu tố may mắn.

Tôi rất biết ơn những thầy cô giáo từ cấp THCS đến bậc THPT đã tuyển chọn, họ đã đào tạo cho chúng tôi những HS tài năng như vậy từ khi các em HS còn nhỏ, đó là một quá trình rất dài, không phải chỉ một vài người làm được.

Nhưng vì những thành tích này mà đánh giá cả nền giáo dục hoặc đánh giá việc giảng dạy các môn tự nhiên hiện đang rất tốt là không nên. Việc đào tạo HS giỏi chỉ là một mảng rất nhỏ của nền giáo dục. Việc đánh giá việc dạy học trong nhà trường cần đánh giá trên các yêu tố khác nữa. Ví dụ: Các em HS khi lên đại học có học tập tốt hay không, có khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành nghề khi ra trường hay không, có cư xử tốt đẹp và có trách nhiệm xã hội hay không. 

Những nước có thành tích kém hơn ta ở Olympic không có nghĩa giáo dục họ kém hơn ta đâu, có thể họ không chú trọng lựa chọn và đào tạo HS năng khiếu dài hơi như ở ta thôi.

. Có ý kiến cho rằng nền giáo dục của chúng ta có nhiều thành tích chứ chưa có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ông nghĩ thế nào?

+ Tôi cho rằng những thành tích đáng tự hào ở các kỳ thi Olympic không nên xem là thành tích chung của ngành giáo dục. Vì như đã nói ở trên, đây chỉ là một mảng nhỏ của công tác giáo dục đào tạo. Vì vậy, không thể xem rằng nền giáo dục ta đang có nhiều thành tích.

Nếu việc đào tạo tốt, có môi trường tốt thì nền khoa học tự nhiên (KHTN) của chúng ta ắt sẽ có nhiều thành tựu. Nhưng có một thực tế là gần như các chủ nhân HCV Oyimpic của chúng ta sau đó đều đã ra nước ngoài nghiên cứu và làm việc.

Theo TS Nguyễn Viết Đông, Việt Nam có hệ thống lựa chọn và đào tạo các HS năng khiếu rất tốt. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu hết các HCV Olympic sau khi du học đều ở lại nước ngoài.

Tôi cho rằng Việt Nam có nhiều nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu KHTN và việc phát hiện, bồi dưỡng họ đã giúp nhiều nhân tài có cơ hội tỏa sáng. Riêng về Toán, số lượng các nghiên cứu, các bài báo khoa học của chúng ta cũng khá tốt, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. 

Hầu hết các HCV Olympic đều bị "giữ lại" ở nước ngoài

. Như ông nói, những người đã đạt HCV Olympic hầu hết đã ra nước ngoài học tập và làm việc. Điều này có đáng tiếc hay không?

+ Quá đáng tiếc. Gần như chúng ta dốc sức đào tạo nhưng những nước có trình độ phát triển cao hơn lại đang được thụ hưởng nguồn chất xám đó. Nhưng chúng ta phải chấp nhận điều đó. Làm sao các em về lại Việt Nam, nhận lương năm, sáu triệu đồng mỗi tháng trong khi lương ở các nước trả cho các em cả chục ngàn đô.

Đó không phải lỗi của nền giáo dục, cơ chế chung như vậy, nền tảng kinh tế của chúng ta như vậy thì không thể đòi hỏi các em trở về cống hiến vô điều kiện được. 

Ngay cả những nước có điều kiện hơn Việt Nam như Trung Quốc, Nga, Singapore thì nhân tài ở đó vẫn có xu hướng dịch chuyển đến những nơi có nền khoa học công nghệ vượt trội để học tập và làm việc. Ngoài kinh tế ra thì họ còn cần môi trường để phát huy hết khả năng.

Tôi làm việc gần về hưu, lương chỉ hơn chục triệu. Con trai trưởng của tôi, học xong bên Nhật, tôi cũng thuyết phục cháu về ở chung với bố mẹ. Cuối cùng, cháu cũng chấp nhận về, làm giảng viên đại học lương chỉ vài triệu. Do cháu có gia đình ở đây, muốn gắn bó với gia đình, muốn con gần gũi ông bà, cuộc sống cũng ổn định được nên cháu quay về, chứ nếu không có những điều kiện này thì chưa chắc cháu về.

Còn con trai út của tôi qua Singapore du học theo diện có học bổng, học xong người ta trả lương hơn chục ngàn, về đây lương chỉ vài triệu, nó không dám về!

Trân trọng những đóng góp cho đất nước

. Có cách nào để chúng ta giữ nguồn chất xám quý giá đó cho đất nước hay không, thưa ông?

+ Rất là khó để giữ chân những nhân tài trong nước, dù môi trường nghiên cứu, giảng dạy của chúng ta có cải thiện. Bởi những tài năng luôn có xu hướng di chuyển đến môi trường phù hợp nhất với khả năng làm việc, sáng tạo của họ. Nhưng chúng ta có thể khích lệ lòng yêu nước của họ và tạo điều kiện hết mức nếu họ muốn quay về đóng góp công sức của mình.

Tôi từng giảng dạy những em HS đạt Huy chương Olympic, như Chiêu Minh HCB Olympic Toán quốc tế 2005. Chiêu Minh rất giỏi, cực kỳ giỏi, khiến tôi rất ấn tượng. Nhưng cậu ấy chỉ học ở khoa tôi một học kỳ, sau đó có học bổng đi du học mất. Sau đó, Minh vẫn thường về thăm trường, tham gia giảng dạy, truyền lửa cho các SV của tôi khi có điều kiện về thời gian. Tôi rất cảm ơn cậu ấy về điều đó.

Hoặc những nhân tài khác như anh Lê Anh Vinh, học xong tiến sĩ ở ĐH Haward đã trở về nước cống hiến, hiện đang làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Hoặc anh Lê Minh Hà, Trưởng khoa Toán - Cơ - tin học ĐH KHTN ở Hà Nội. Các anh đã nhận được những chế độ đãi ngộ rất tốt ở nước ngoài nhưng đã chọn về nước nghiên cứu, đào tạo nhân lực cho đất nước.

Tôi rất trân trọng tấm lòng của các anh đối với đất nước. Hai anh Vinh và Hà đều có điều kiện kinh tế gia đình rất ổn. Tôi cũng biết một số người cũng có nguyện vọng về nước cống hiến nhưng vẫn phải lo kinh tế nên chưa về được.

. Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm