Nhiều đội xung kích diệt bọ gậy chưa nhận được tiền

Cuộc họp phòng chống dịch chiều 31-8

Theo TS Chính, để phòng chống dịch SXH hiệu quả, bên cạnh việc phun hóa chất thì công tác diệt lăng quăng (bọ gậy) tại từng hộ gia đình mới là gốc vấn đề. “Cần có đội xung kích diệt bọ gậy đến từng hộ gia đình để nhắc nhở không để tồn tại ổ lăng quăng. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều đội xung kích chưa nhận được tiền bồi dưỡng. Như vậy sẽ khiến hoạt động kém nhiệt tình, giảm hiệu quả” – TS Chính cho biết.

Cũng theo ông Chính, việc phun hóa chất trên địa bàn Hà Nội thời gian qua chưa triệt để, vẫn còn tồn tại những ổ dịch là do cơ quan chức năng đi phun vào ngày thường, thời điểm người dân đi làm, vắng nhà. Do vậy, cần phun vào ngày nghỉ để các gia đình có nhà thì mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân hiểu, không nên để ổ bọ gậy trong nhà. Không thể trông chờ vào đội xung kích vì đội này không thể hoạt động mãi được.

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: Qua 3 tuần trực tiếp tham gia hoạt động phòng chống dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ nhận thấy, hầu hết các đội xung kích ở địa phương hoạt động rất nhiệt tình, nhưng nhiều đội vẫn thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng chuyên môn. “Dù trước đó đã có đội xung kích đến, nhưng khi tổ kiểm tra đến kiểm tra lại thì vẫn phát hiện nhiều ổ bọ gậy tồn tại. Do vậy cần có cán bộ có kinh nghiệm, có kỹ năng mới phát hiện ra. Cũng có thành viên đội xung kích rất nhiệt tình, nhưng do đã lớn tuổi, sức yếu, không leo lên tầng cao được nên việc kiểm tra, phun hóa chất tại các hộ gia đình không hiệu quả...” – ông Dương cho biết.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 30-8, cả nước ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc SXH, 26 trường hợp tử vong. Trong đó có gần 92.000 trường hợp nhập viện. 

Tại Hà Nội, tính từ 1-1 đến 28-8-2017 ghi nhận hơn 22.000 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Đến thời điểm hiện nay, dịch đã có xu hướng chững lại và giảm, cụ thể, số mắc trong tuần từ ngày 21-8 đến ngày 27-8 (gần 3.000 trường hợp), giảm hơn so với tuần trước (hơn 3.500 trường hợp).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Hà Nội hiện đã giảm xuống 18% ca mắc SXH, các bệnh viện đã giảm đến 40-50% bệnh nhân nhập viện, tình hình dịch đã có xu hướng đi xuống, nhưng chúng ta không thể chủ quan, không được lơ là”. Cũng theo Thứ trưởng Long, Hiện nay các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thanh Hóa cũng xuất hiện dịch SXH. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các tỉnh phải có biện pháp phòng chống dịch như Hà Nội đang làm để hạn chế dịch bệnh.

“Ngoài SXH, hiện nay đang nổi lên bệnh tay chân miệng. Bệnh này cũng không có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh cần tập trung vào ý thức của mỗi người dân…” – Thứ trưởng Long nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm