Nhiều chủ quán ăn uống ở TP.HCM chấp nhận đóng cửa vì an toàn của TP

Từ 0 giờ ngày 9-7, TP.HCM tạm dừng các hoạt động bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về, hoạt động vận tải hành khách công cộng, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ... Những trường hợp người dân ra khỏi nhà không đúng quy định, không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt.

Đồng lòng vì lợi ích chung của thành phố

Ông Hoàng Đức Thắng (65 tuổi, quận Tân Bình) là chủ một cửa hàng bún bò Huế tại đường Trường Chinh. Sáng nay, vợ chồng ông vừa đóng cửa quán, ngưng bán mang về trong vòng 15 ngày theo Chỉ thị 16 của thành phố. Vợ chồng ông Thắng cho biết, trước đó khách tới quán mua bún phải đứng giãn cách, bịt khẩu trang và rửa tay bằng nước sát khuẩn có sẵn tại quán. 

Ông tâm sự: "Bình thường khách đông, vợ chồng làm việc luôn tay luôn chân, vui lắm. Dịch đến, cả tháng nay chỉ bán mang về. Gọi là bán chứ thực ra cũng là làm cho vui chứ một ngày bán không được bao nhiêu tô, nhưng vẫn vui vì quán có người qua lại. Hôm nay, chúng tôi đóng cửa quán chỉ mới mấy tiếng đồng hồ đã thấy buồn chán rồi, không biết 15 ngày tới sẽ ra sao".

Tuy vậy, vợ chồng ông cho rằng tạm thời đóng cửa quán, tránh tiếp xúc với nhiều người là đồng lòng với thành phố chống dịch. "Quán ở ngay đường lớn, nếu kéo cửa xuống sẽ rất nóng nên vợ chồng tôi mở cửa cho mát, không bán hàng nhưng đã có cán bộ phường xuống nhắc nhở. Nhiều người dân thấy tưởng quán không đóng cũng hỏi mua, nhưng tôi không bán. Hi sinh một chút lợi ích trước mắt để đảm bảo an toàn cho cộng đồng về sau" - ông tâm sự. 

Quán bún bò của vợ chồng ông Hoàng Đức Thắng vắng vẻ vì không bán mang về. Ảnh: KHÁNH CHI

Giống như ông Thắng, chị Ly (39 tuổi) chủ quán nước trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) cũng cho rằng việc ngừng bán mang về là cần thiết. Chị trải lòng: "Mỗi ngày thành phố có mấy trăm ca nhiễm, việc bán mang về cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Nếu lỡ tôi là F0 thì mỗi ngày sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, rất nguy hiểm. Dịch cả tháng nay, đằng nào kinh tế của quán cũng đã thiệt hại rồi, khó khăn tôi gặp là khó khăn chung của cả thành phố, giờ nghỉ thêm 2 tuần cũng không sao".

Trước đó, khi chưa có thông báo ngưng bán mang về, chị thường tặng nước cho những người bán vé số ở gần quán. "Sáng nay, khi biết tôi phải đóng cửa quán, tổ trưởng tổ dân phố ở đây đã động viên tôi cố gắng vượt qua giai đoạn này. Đó cũng là một niềm an ủi với tôi. Mong dịch nhanh qua để kinh tế phát triển trở lại" - chị tâm sự. 

Không bán mang về gây nhiều trở ngại cho người dân

Nhiều người dân vì làm việc online, chăm sóc con cái nên không có thời gian tự nấu ăn, thường xuyên phải mua đồ ăn bên ngoài. Việc ngưng bán mang về theo Chỉ thị 16 đã khiến họ gặp nhiều trở ngại.

Chị CTN (26 tuổi, Bình Tân) cho biết trước đây chị vẫn thường đặt đồ ăn bên ngoài cho mình và con. Chị cho biết: "Vừa chăm sóc hai đứa nhỏ, vừa phải dọn nhà, tôi không có thời gian để nấu ăn. Cháo của con tôi cũng thường đi mua tại quán quen để đảm bảo dinh dưỡng. Nhưng Chỉ thị 16 yêu cầu ngưng bán mang về, tôi phải một tay nấu cơm, nấu cháo, tay kia chăm con, rất vất vả. Chồng tôi đi làm cả ngày, không phụ giúp tôi được nhiều.

Chưa kể, nhiều chợ truyền thống ở khu vực tôi ở đã đóng cửa do có F0, chỉ có thể đặt rau trên siêu thị, Bách Hóa Xanh hoặc đặt mua ở những mối nhỏ lẻ rao bán trên mạng. Tôi đặt rau trên siêu thị và Bách Hóa Xanh 4 ngày rồi mà người ta chưa giao, hỏi mua ở những người đăng bán trên Facebook thì 2 bó mồng tơi 50.000 đồng. Việc tự nấu ăn nghe thì tiết kiệm nhưng lại quá khó khăn".

Nhiều quán cơm đóng cửa vì dịch. Ảnh: KHÁNH CHI

Còn chị Nguyễn Thị Mơ (22 tuổi, TP.Thủ Đức) nói: "Mặc dù ở nhà có đầy đủ dụng cụ nấu ăn nhưng tôi làm việc online, chỉ có 1 tiếng nghỉ trưa nên không kịp nấu nướng. Buổi chiều, đi ra sạp bán rau đầu ngõ thì giá đắt, giờ cũng ngưng bán chợ tự phát luôn rồi. Tôi và bạn cùng phòng phải ăn tạm đồ ăn nhanh như bánh mì, mì gói để có thời gian nghỉ trưa". 

Việc ngưng bán mang về đối với Mơ tuy hơi bất tiện, nhưng vì tình hình dịch đang căng thẳng nên cô và bạn cùng phòng cho biết sẽ cố gắng. Mơ hi vọng dịch nhanh qua đi để mọi chuyện trở lại bình thường. 

Trưa nay, TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện quyết định của UBND TP liên quan Chỉ thị 16, theo đó TP TP.HCM yêu cầu các hệ thống siêu thị tăng thực phẩm chế biến sẵn, phối hợp với hệ thống giao hàng online đưa đến người dân; cung cấp suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh... Điều này đã gỡ rối được cái khó của nhiều người trong việc lo bữa ăn cho mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm