Nhanh chóng phủ vaccine để sớm trở về bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến ngày 9-9 cho thấy trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, chỉ duy nhất Long An là địa phương có 100% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Hà Nội tiêm vaccine với công suất cao nhất

Tính đến sáng 10-9, đã có 3.763 nhân viên y tế từ 11 tỉnh, thành hỗ trợ Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Rút kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác, những điểm xét nghiệm và tiêm chủng tại các quận, huyện ở Hà Nội khá trật tự, nghiêm túc.

Ghi nhận của PV, tại điểm lấy mẫu xét nghiệm ở phường Phúc La, quận Hà Đông, người dân đến lấy mẫu xét nghiệm trật tự, thực hiện giãn cách, sát khuẩn đúng quy định. Cùng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế và lực lượng công an, việc lấy mẫu diễn ra nhanh gọn, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tại Trung tâm Y tế phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thời điểm PV đến có khoảng 50 người dân tuân thủ yêu cầu giãn cách, ngồi ghế đợi làm thủ tục tiêm.

Trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, công tác tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cũng được tiến hành khẩn trương. Nhằm đẩy nhanh công tác, quận Hoàn Kiếm tổ chức tiêm cả buổi tối cho người dân.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết Hà Nội đã thực hiện linh động điều chuyển vaccine phân bổ cho các quận, huyện sang địa bàn khác để đảm bảo kế hoạch tiêm chủng. Đồng thời TP cũng yêu cầu các điểm tiêm tổ chức tiêm ba ca.

Trong thời gian rất ngắn, công suất tiêm của Hà Nội đã đạt hơn 300.000 mũi tiêm/ngày. Đây là công suất cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng, công tác xét nghiệm được đánh giá là mũi giáp công quan trọng không kém của Hà Nội lúc này.

Đánh giá về hai mũi giáp công tiêm chủng và xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng Hà Nội đang triển khai rất tích cực.

Phương pháp xét nghiệm hiện nay Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương là gộp mẫu (có thể gộp 10) trong trường hợp có thể thì giá thành xét nghiệm rất rẻ; các vùng đỏ xét nghiệm nhiều lần nhưng đối với vùng xanh phải làm xét nghiệm để biết không có mầm bệnh, từ đó yên tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bên cạnh việc điều động hơn 10 tỉnh, thành tăng cường nhân lực y tế về hỗ trợ Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã điều động nhân lực của các bệnh viện trung ương, các trường đại học ở trung ương trên địa bàn để hỗ trợ Hà Nội. Mặt khác, Bộ Y tế cũng giao những phòng xét nghiệm của bộ trên địa bàn Hà Nội huy động tối đa để làm sao phục vụ cho xét nghiệm của thủ đô.

Lấy mẫu xét nghiệm tại phường Phúc La, quận Hà Đông vào sáng 10-9.
Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Số ca COVID-19 tử vong ở TP.HCM thấp nhất trong hơn một tháng qua

Chiều 10-9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, đã thông báo số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP.HCM giai đoạn gần đây giảm rất đáng kể.

Ông Hải lấy số liệu so sánh, theo đó trước khi TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội, ngày 22-8 TP có 350 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày nhưng đến ngày 9-9, chỉ còn 195 ca tử vong trong ngày. 

Thiếu vaccine, nhiều tỉnh miền Tây có tỉ lệ tiêm vaccine dưới 20%

Ngày 10-9, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã huy động hơn 1.300 cán bộ y tế, tình nguyện viên và nhiều trang thiết bị để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong cộng đồng. Theo đó, đến ngày 8-9, Long An đã tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 được 1.491.253 mũi (gồm 1.363.169 mũi 1 và 128.084 mũi 2), đạt 100,11% và là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt tỉ lệ này.

Trong khi đó, các địa phương còn lại ở vùng ĐBSCL, tỉ lệ đã tiêm ít nhất một mũi dao động từ 12,94% (An Giang) đến 27,04% (TP Cần Thơ). Hiện các địa phương còn lượng vaccine được phân bổ đều đẩy nhanh chiến dịch tiêm và có những địa phương hiện không còn vaccine để tiêm mà phải chờ phân bổ từ Bộ Y tế. Trong đó, TP Cần Thơ cách nay hơn một tháng đã có công văn đề nghị Bộ Y tế phân bổ khoảng 300.000 liều vaccine nhưng nay thực tế mới nhận 24.000 liều.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, tính đến chiều 9-9, TP Cần Thơ đã tiêm được tổng cộng hơn 295.700 liều, trong đó người đã tiêm đủ hai mũi là 40.352.

Chiều 10-9, ông Trần Trường Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết 24.000 liều AstraZeneca nhận về để tiêm đợt 6, đến nay TP cơ bản đã tiêm hết. Hiện TP còn khoảng 216.000 người chờ tiêm mũi 2, đặc biệt thiếu khoảng 73.500 liều Moderna để tiêm mũi 2.

Tại Hậu Giang, dự kiến từ tháng 8 đến tháng 12, địa phương sẽ được Bộ Y tế phân bổ 900.860 liều vaccine chia làm nhiều đợt. Sở Y tế tỉnh đã triển khai kế hoạch tiêm theo hình thức nhận vaccine về đến đâu sẽ phân bổ ngay đến các điểm để triển khai tiêm cho người dân. Đến cuối ngày 9-9, toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 121.204 liều, trong đó 87.210 người tiêm mũi 1 và 33.994 người tiêm mũi 2.

Tương tự, tính đến ngày 7-9, Kiên Giang đã hoàn thành bốn đợt tiêm vaccine với 294.929 liều, trong đó 243.476 người tiêm mũi 1 và 51.453 người tiêm mũi 2. Còn tại Sóc Trăng, thông tin từ Sở Y tế tỉnh này cho biết đến ngày 9-9, địa phương đã triển khai tiêm 162.149 mũi vaccine phòng dịch COVID-19, trong đó mũi 1 là 133.390 người và mũi 2 là 28.759 người.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết tỉnh vừa có công văn gửi Bộ Y tế về việc hỗ trợ vaccine cho tỉnh.

Theo ông Hẳn, Bộ Y tế dự kiến trong năm 2021 sẽ phân bổ cho tỉnh Trà Vinh 1.396.109 liều vaccine phòng dịch COVID-19. Tính đến ngày 6-9, Bộ Y tế đã phân bổ cho Trà Vinh 138.280 liều (thực tế đã nhận 121.480 liều, gửi Viện Pasteur TP.HCM 16.800 liều Moderna để tiêm mũi 2).

“Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tiêm chủng được 11 đợt cho các đối tượng theo quy định với 128.325 mũi tiêm (trong đó mũi 1 là 104.081), đạt 16% dân số trong độ tuổi tiêm chủng. Trong tháng 9 và tháng 10, người đã tiêm mũi 1 trên địa bàn tỉnh đến thời gian tiêm mũi 2 khoảng 57.040 nhưng số lượng vaccine phân bổ cho tỉnh không đủ để triển khai tiêm mũi 2 cho các đối tượng này” - ông Hẳn cho hay.

Để triển khai tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 theo đúng thời gian quy định, đạt kế hoạch tỉnh đã xây dựng, UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, cấp bổ sung cho tỉnh 567.040 liều vaccine. Cụ thể, trong tháng 9 và tháng 10, nhu cầu cần tiêm mũi 2 AstraZeneca là 56.500 liều (tháng 9 là 8.500 liều, tháng 10 là 48.000 liều). Đối với vaccine Cominaty (Pfizer) là 540 liều trong tháng 9. Đến cuối năm 2021, để đạt tối thiểu 50% dân số trong độ tuổi tiêm chủng theo kế hoạch, tỉnh cần khoảng 510.000 liều vaccine.

Không cần đo huyết áp tất cả người tiêm vaccine phòng dịch COVID-19

Người tiêm vaccine phòng dịch COVID19 không cần phải đo huyết áp trước khi tiêm, trừ người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, người bệnh nền tim mạch, người trên 65 tuổi, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

Đây là điểm mới trong Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành ngày 10-9. Lâu nay, tất cả người trước khi tiêm phải đo kiểm tra huyết áp, trường hợp huyết áp cao hơn 140 mmHg đều không được tiêm. Rất nhiều người gặp tình trạng cao huyết áp trước khi tiêm, song về nhà đo lại huyết áp bình thường. Hiện tượng này được các bác sĩ gọi là “tăng huyết áp áo choàng trắng”, nguyên nhân thường do tâm lý.

Ngoài ra, theo hướng dẫn mới, tất cả người đến tiêm vaccine cần được đo thân nhiệt. Người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở... phải đo mạch, đếm nhịp thở trước khi tiêm.

Sau khám sàng lọc, trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm ngay, chỉ trì hoãn tiêm với trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì sẽ tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm