LÃNH ĐẠO CÁC CÔNG TY CÔNG ÍCH HƯỞNG LƯƠNG "KHỦNG"

Nhận lỗi, bồi hoàn cho người lao động

Ngày 28-8, lãnh đạo của các công ty công ích bị UBND TP kết luận là chi lương “khủng” sai quy định cũng như “o ép” trong việc ký hợp đồng với người lao động đã thực hiện yêu cầu khắc phục theo kết luận của UBND TP. Lãnh đạo các công ty này thừa nhận họ đã sai và nhận lỗi…

Nhận lỗi với người lao động

Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, trần tình: Công ty chuyển thành công ty TNHH MTV nhưng chưa kịp xây dựng phương án trả lương cho viên chức quản lý. Từ đó, đơn vị vẫn tính theo cách cũ dẫn đến chi vượt tiền lương. “Thiếu sót này thuộc về ban lãnh đạo công ty và với tư cách là giám đốc, tôi xin nhận trách nhiệm; đồng thời tôi cũng xin nhận lỗi với người lao động của công ty”.

Liên quan đến việc ký hợp đồng thời vụ thời hạn 2,5 tháng với người lao động, ông Hà lý giải là do nhu cầu công việc nên cần một số lao động giản đơn làm một thời gian rồi nghỉ, sau đó làm trở lại. “Ở góc độ giám đốc công ty, tôi xin nhận thiếu sót trong việc kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thành viên ký kết hợp đồng nhưng cũng xin nói thêm, những lao động giản đơn này có mức thu nhập bình quân khoảng 9 triệu đồng/tháng, trong khi mức tiền lương bình quân của công ty là 15 triệu đồng/tháng thì cũng không phải là thấp” - ông Hà nói.

Nhận lỗi, bồi hoàn cho người lao động ảnh 1

Lãnh đạo, quản lý hưởng lương cao, trong đó có phần “ngắt” từ lương của người lao động. Ảnh: MP

Còn tại Công ty Thoát nước Đô thị TP (UDC), ông Nguyễn Trọng Luyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, cho biết đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và yêu cầu giám đốc công ty khắc phục ngay những hậu quả và sai phạm. Trong ngày 28-8, UDC cũng có văn bản báo cáo UBND TP, theo đó trong tháng 9-2013 sẽ hoàn tất việc thu hồi toàn bộ số tiền lương, tiền thưởng đối với bảy viên chức quản lý sai quy định trong năm 2011 và năm 2012. Ngoài ra, các thành viên trong ban quản lý, điều hành UDC cũng sẽ viết bản tự kiểm để xác định trách nhiệm, sai phạm và tự nhận hình thức kỷ luật cũng như biện pháp khắc phục hậu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty UDC, cho biết thêm công ty sẽ tiến hành ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho trên 500 lao động thường xuyên nhưng ký hợp đồng thời vụ và lao động ký hợp đồng dưới một năm. Trước ngày 10-9, công ty sẽ hoàn tất việc khắc phục này và sẽ báo cáo chính thức cho UBND TP trước ngày 15-9…

Xin không “hồi tố” với người lao động

Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh, băn khoăn trước khoản tiền lương dự kiến thu hồi của người lao động trong năm 2012. “Việc áp dụng lương trong năm 2012 cho người lao động là dựa vào mức lương tối thiểu được UBND TP duyệt vào tháng 11-2011 (2 triệu đồng/tháng) nhưng sau đó, tháng 7-2013, UBND TP lại có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp công ích áp dụng mức lương tối thiểu không quá 1.512.000 đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương từ năm 2012. Nếu thực hiện theo yêu cầu này thì sẽ phải “hồi tố” và buộc người lao động phải hoàn trả lại phần tiền lương chênh lệch đã được lãnh. Ước tính có gần 1.500 người lao động, mà đa số là lao động nghèo phải hoàn trả tổng tiền lương trên 49 tỉ đồng. Đây là điều mà chúng tôi rất băn khoăn, xin kiến nghị UBND TP không thu hồi. Nhưng với các cán bộ quản lý, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm các yêu cầu của TP.HCM” - ông Hà nêu.

Ông Hà lý giải việc hình thành quỹ lương tại đơn vị: Nguồn hình thành quỹ lương là căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị được TP.HCM phê duyệt. Trong đó hoạt động công ích đóng góp vào 70% cho quỹ lương. Số còn lại là do đơn vị kinh doanh (thi công), thực hiện dịch vụ (chăm sóc cây kiểng cho nhà hàng, khách sạn).

“Tổng quỹ lương là từ kết quả lao động, sản xuất chứ không hề đá động một đồng nào từ ngân sách cả…” - ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Chiếu sáng Công cộng TP, nói thêm.

Từ chối trả lời báo chí

Trong ngày 28-8, sau nhiều lần liên hệ, ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc công ty Công trình Giao thông Sài Gòn, trả lời ngắn gọn qua điện thoại: “Việc này do Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thực hiện và UBND TP kết luận nên cứ liên hệ với các cơ quan đó để hỏi. Hiện tôi vẫn chưa nhận được văn bản của UBND TP”.

_____________________________________

Sự việc xảy ra thuộc thẩm quyền xử lý của TP. Ngày 28-8, Bộ đã ra văn bản đề nghị thanh tra nghiêm túc, phát hiện các sai phạm về chính sách hay biện pháp thực hiện, phân tích tình hình rồi sau đó sẽ báo cáo cho Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH PHẠM MINH HUÂN,
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương

Các công ty báo nêu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 50/2013 và 51/2013 của Chính phủ và việc chi trả lương phải theo quy định này. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu TP xem xét lại sự việc.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương HOÀNG MINH HÀO

Có thể khẳng định cách trả lương này là không bình thường so với cơ chế tiền lương hiện thời. Tiền lương như thế này không đảm bảo được cơ cấu tiền lương trong giá thành sản phẩm. Các công ty không tuân thủ theo quy tắc cân bằng trong tiền lương, không tuân thủ theo quy định của pháp luật…

Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Về các vấn đề xã hội của QH

NGUYỄN DÂNghi

Định mức bất hợp lý dẫn đến lương “khủng”

Một chuyên gia về tài chính tiền lương phân tích: Do định mức kỹ thuật Bộ Xây dựng ban hành đã lạc hậu nên hầu hết các công ty công ích đều tăng năng suất so với định mức. “Ví dụ nạo vét 1 m cống thoát nước, theo định mức của Bộ Xây dựng cần 10 công với số tiền chi trả là 1 triệu đồng. Thực tế, trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại nên nạo vét 1 m cống chỉ cần một công, số tiền phải trả chỉ 100.000 đồng và công ty công ích có thể “lời” đến 900.000 đồng. Trong khi đó, việc kiểm tra, nghiệm thu nạo vét cống là rất khó thực hiện. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các ngành chiếu sáng, cây xanh vì rất khó khi nghiệm thu khối lượng công việc… Đây cũng là lý do vì sao nhiều công ty công ích chỉ thuê công nhân theo thời vụ trả tiền thấp để giữ lại khoản tiền dư ra do định mức bất hợp lý. Kết quả là dàn lãnh đạo nhận được lương “khủng”.

MP - TT ghi

Lương cao nhất chỉ 36 triệu đồng/tháng

Theo TS Lê Thị Thúy Hương, Trưởng Bộ môn Luật lao động, ĐH Luật TP.HCM, Nghị định 51/2013 của Chính phủ quy định khá cụ thể về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, lương của những người thuộc đối tượng trên được quy định tại phụ lục II (ban hành kèm Nghị định 51/2013), có mức lương 16-36 triệu đồng tùy theo chức vụ. Trong trường hợp công ty làm ăn có lãi thì mức lương trên có thể được tăng nhưng không quá 1/2 của mức lương cũ.

Tôi cho rằng hoặc cách tính lương cơ bản có sự nhầm lẫn hoặc mức lương trên đã bao gồm cả các khoản thưởng, trợ cấp, phụ cấp… và cơ quan nhà nước là chủ sở hữu của các công ty cần xem xét lại.

HỒNG TÚ ghi

MINH PHONG - TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm