Nhà tình báo huyền thoại Mười Hương về với đất mẹ

Sáng 17-6, dòng người nối dài xếp hàng trước Nhà tang lễ BV 175 Bộ Quốc phòng, TP.HCM cúi đầu tiễn đưa vị “kiến trúc sư” của ngành tình báo cách mạng Việt Nam trở về với đất mẹ.

Nghẹn ngào được gọi “bố”

Lẫn trong dòng người dài đằng đẵng, bà Nguyễn Thị Hải, cựu học sinh trường nữ trinh sát đặc biệt (Bộ Công an) cùng những người bạn của mình không tránh khỏi sự xúc động khi cố gắng nhìn theo linh cữu của ông.

Bà nhớ lại, đó là năm 1966, nhà tình báo Mười Hương trực tiếp thành lập ngôi trường này để đào tạo các nữ trinh sát chi viện cho chiến trường miền Nam, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nói là trường nhưng thực tế chỉ có một lớp học với 60 học viên gồm những cô gái 13-14 tuổi. Đây là lớp học đầu tiên cũng là cuối cùng đào tạo các nữ trinh sát phục vụ cách mạng.

Dù ông Mười Hương không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng tình cảm mà ông dành cho các học viên luôn giản dị, như là sự quan tâm của một người cha dành cho các cô con gái của mình.

“Tôi nhớ có năm đến ngày 1-6 là ngày Quốc tế thiếu nhi. Hồi đó, bánh tai voi là một điều xa xỉ vì nó rất đắt nhưng ông đã dùng tiền lương của mình để mua, làm quà cho 60 học viên trong lớp. Chỉ nhiêu đó thôi mà thấy ấm áp lắm” - bà Hải kể lại.

Tình cảm mà ông Mười Hương dành cho các học viên như một người cha dành cho các cô con gái nhỏ. Nhưng chưa bao giờ bà Hải hay các học viên còn lại dám gọi ông là “bố”, chỉ xưng hô là bác cháu. Cho đến khi…

Đó là năm 2016, tròn 50 năm kỷ niệm thành lập trường. Bà Hải cùng các bạn bè tổ chức lễ kỷ niệm ở phía Nam để được đến gặp, thăm ông Mười Hương. Lúc ông đến cùng lễ kỷ niệm, bà Hải xuống đón và chào: “Dạ, con chào bác!”.

Khi đó, ông Mười Hương đã phản ứng ngay: “Bác à? Là bố chứ!”.

“Điều ông nói khiến tôi vừa sung sướng vừa ngạc nhiên vô cùng. Tôi không nghĩ đến một ngày mình sẽ được gọi ông là bố. Thân thương và trân quý vô cùng” - bà Hải nghẹn ngào.

Những lần ông Mười Hương ra Hà Nội công tác, lần nào cũng gọi bà Hải đến để ngồi tâm sự, trò chuyện cùng. “Có hôm, nói đến trưa thì ông bảo là thôi ở đây ăn cơm luôn chứ đừng về. Khi nào gặp ông, vẫn luôn là hình ảnh một nhà tình báo lớn nhưng gần gũi và dung dị, không có xa cách gì cả” - bà Hải chia sẻ.

Bà Hải nhớ tháng 12-2019, bà cùng 10 người bạn của mình bay từ Hà Nội vào thăm ông. Lúc đó, sức khỏe ông đã yếu, không nhớ được nhiều.

“Nhưng khi tôi đến chào hỏi, bố cười rồi bảo: “Hải phải không?”. Hôm đó, tôi nói bố cố gắng giữ gìn sức khỏe, đến lúc mừng thọ 100 tuổi con lại vào. Bố lại cười ngay rồi dặn: “Nhớ đấy nhé!”. Cái phản ứng lúc đó của bố khiến tôi trân quý vô cùng, lúc nào cũng sâu sắc và ấm áp như thế” - bà Hải rưng rưng.

Một ngày trước khi ông Mười Hương ra đi, bà Hải đã vào thăm ông lần cuối. Để rồi sau đó, bà nhận tin từ con trai ông là ông đã an nghỉ…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đọc điếu văn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Nguyễn Thị Hải, cựu nữ sinh trường trinh sát đặc biệt (Bộ Công an), bay từ Hà Nội vào để tiễn đưa người “bố” của mình về nơi an nghỉ. Ảnh: THANH TUYỀN

“Đừng sợ dọa nạt của những người không tốt”

Đến viếng, thắp nhang tiễn đưa ông vào ngày hôm trước, nhà báo Nguyễn Thế Thanh đã kể lại kỷ niệm với ông Mười Hương khi bà còn là phóng viên. Ông hay gọi bà là “con Thanh đía” vì bà hay hỏi, tham gia vào câu chuyện của ông.

Bà vẫn nhớ lời nói nhỏ nhẹ như răn dạy của ông về nghề báo: “Làm báo khó lắm, bây giờ hay bao giờ cũng vậy. Ráng nghe cho tường tận, ghi cho chính xác, viết cho kỹ càng. Đừng sợ sự dọa nạt của những người không tốt”.

Sáng 17-6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ, lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân đã đến dự lễ tiễn đưa vị nhà tình báo huyền thoại  Trần Quốc Hương về nơi an nghỉ. 

“Nghe lời chú và những người lớn tử tế, con và các bạn đồng lứa, đồng nghề đã ráng sống và làm việc cho đàng hoàng trong nhiều năm qua, có vui có buồn, có nắng đẹp cũng có bão bùng, chú ạ” - bà Thế Thanh tâm tình trong dòng sổ tang.

“Bậc thầy của các nhà tình báo”, “huyền thoại tình báo”… là sự trân quý mà người ở lại dành cho ông, với những hy sinh lớn lao cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhưng ẩn sâu bên trong vị “huyền thoại tình báo” ấy, đọng lại trong lòng thế hệ học trò, những người có may mắn gặp gỡ, nghe ông trò chuyện là hình ảnh của một người gần gũi, ấm áp. Họ gọi ông nghe thật thân thương, là “bố”, hay là “chú Mười”!...

Cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng

Tại buổi tiễn ông Trần Quốc Hương về nơi an nghỉ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, trưởng ban lễ tang, đã xúc động đọc điếu văn tiễn biệt. Điếu văn có đoạn:

“Đồng chí Trần Quốc Hương của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập. Tham gia cách mạng từ khi 13 tuổi, bị thực dân Pháp tù đầy từ khi 18 tuổi, vào Đảng khi 19 tuổi, với 97 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Quốc Hương đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc đời cách mạng của ông Mười Hương là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cả nước kính trọng, học tập và noi theo.

TÁ LÂM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm