Người giúp việc được nghỉ ít nhất bốn ngày/tháng

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 27/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

Không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Thông tư yêu cầu thời gian thử việc không quá sáu ngày làm việc. Ngay sau khi kết thúc thời gian thử việc thì hai bên phải thỏa thuận nội dung trong hợp đồng lao động và ký kết hợp đồng lao động. Một trong những nội dung của hợp đồng lao động là phải có khoản tiền lương. Theo đó, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với các địa bàn nơi người lao động làm việc.

Người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ gửi thông báo bằng văn bản về cho UBND cấp xã về việc sử dụng lao động giúp việc gia đình (trong vòng 10 ngày sau khi ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng).

Trong quá trình thuê giúp việc nhà, người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động nghỉ ngơi hằng tuần. Nếu không thể bố trí cho người lao động nghỉ ngơi hằng tuần thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đảm bảo cho người lao động được nghỉ bình quân ít nhất bốn ngày trong một tháng. Đồng thời, phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc.

Tuyển người giúp việc nhà tại hội chợ việc làm ở TP.HCM. Ảnh: Tam Anh

Chấm dứt hợp đồng trái luật, phải bồi thường

Thông tư quy định người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Người lao động phải báo trước 15 ngày khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì không được nhận trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng.

Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật thì phải nhận người lao động làm việc trở lại theo hợp đồng đã giao kết. Đồng thời, phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường nói trên còn phải trả trợ cấp thôi việc (nếu có).

Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động thì ngoài khoản bồi thường và trợ cấp nói trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

ĐÔNG YÊN

Việc yêu cầu chủ nhà phải báo với chính quyền địa phương về việc ký kết hay chấm dứt hợp đồng lao động với người giúp việc là cần thiết. Điều đó đảm bảo sự an toàn cho cả hai phía vì lâu nay vẫn có những trường hợp không hay xảy ra ở mảng này như người giúp việc trộm đồ gia chủ, gia chủ sàm sỡ người giúp việc… Riêng yêu cầu phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc… cho người giúp việc, tôi e là khó khả thi vì người sử dụng lao động và cả người lao động đều không muốn có sự ràng buộc kiểu đó. Người sử dụng lao động không muốn ký hợp đồng dài hạn, thường là họ lách luật chỉ ký hợp đồng theo từng tháng chứ không ký hợp đồng dài hạn. Phía người lao động thì thường có tâm lý là thích làm theo thời vụ, nơi nào có tiền cao hơn hoặc tính tình gia chủ phù hợp hơn là người ta nhảy việc. Tất cả khoản này lâu nay do công ty chúng tôi chăm lo, chi trả cho nhân viên (người giúp việc), còn phía chủ nhà thì chỉ trả tiền lương cho chúng tôi theo hằng tháng để chúng tôi chăm lo lại cho nhân viên. Nếu nhân viên nào ốm đau hoặc kẹt việc riêng cần nghỉ ngơi để giải quyết thì chúng tôi có nhân viên khác thay thế.

Ông HUỲNH NHÂN, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái

Dù luật có buộc chủ nhà cho tôi nghỉ ít nhất bốn ngày/tháng thì tôi cũng không nghỉ đâu. Vì nghỉ thì tôi biết làm gì trong những ngày đó. Tôi và chủ nhà thỏa thuận nếu tôi kẹt công việc riêng muốn nghỉ thì chủ nhà tạo điều kiện cho nghỉ thôi, có tháng nghỉ nhiều, có tháng không nghỉ chứ không nhất thiết cứ phải một tháng nghỉ bốn ngày. Mà chủ nhà có trả thêm tiền gấp đôi ngày thường thì tôi cũng không mong vì thấy nó sòng phẳng vật chất quá, trong khi chuyện quan hệ với chủ nhà chủ yếu dựa trên tình cảm. Tôi nghĩ lương hướng, bảo hiểm xã hội gì đó chủ nhà cứ gom hết vào một khoản trả một lần trong tháng để tôi tự lo là được rồi.

Chị TRẦN THỊ TIẾP,người giúp việc nhà tại
chung cư Gia Phú, quận Bình Tân, TP.HCM

- Những hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động: Cưỡng bức lao động, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động; tiết lộ thông tin cá nhân ảnh hưởng xấu đến người lao động…

- Những hành vi nghiêm cấm đối với người lao động: Tiết lộ thông tin các thành viên trong hộ hoặc của hộ gia đình, trộm cắp, đánh bạc, sử dụng chất gây nghiện, mại dâm, tự ý lục soát hoặc sử dụng đồ dùng của các thành viên trong hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm