Người đầu tiên lái thuyền du lịch trên sông Hàn

Bến đò Xu (chân cầu Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) chiều cuối năm man mác buồn. Trời lất phất mưa, gió thổi từng hồi. Đứng trên du thuyền đã nhuốm màu thời gian, ông Đặng Văn Hòa trầm ngâm nhìn những con sóng lăn tăn đang đuổi nhau xô vào mạn thuyền. Năm nay ông Hòa “đen” đã 70 xuân.

Dỡ mái ngói, đưa người đi cấp cứu giữa đêm

Ông Hòa lớn lên trong một gia đình có 11 đời làm nghề sông nước tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Mới 11 tuổi, ông đã lon ton theo cha thả lưới đánh cá. Dáng người thấp bé, gầy còm, chẳng ai ngờ hằng đêm ông vẫn cùng cha chở bộ đội từ bên này qua bên kia sông. Những ngày đầu sau giải phóng, ông Hòa chèo đò ở cầu Đỏ. Đến năm 1980, ông chuyển sang gắn bó với bến đò Xu.

Hỏi về cái tên lạ tai này, ông cười bảo: “Gọi là bến đò Xu bởi mỗi lần qua sông khách chỉ phải trả 1 xu, trước khi tôi đến đã có quy định ấy. Cuộc sống bấy giờ tuy khó khăn nhưng con người sống với nhau tình nghĩa lắm. Ai có thì trả, không thì thôi”.

Không chỉ chở khách sang sông, ông Hòa còn là “người hùng thầm lặng” của người dân hai bên bờ sông trong những mùa mưa lũ. Ngồi bên ấm trà ông bảo mỗi lần nhớ về trận lũ lịch sử cuối năm 1999, ông lại thấy rùng mình. “Khốc liệt quá! Nước dâng cao đột ngột khiến hàng ngàn căn nhà của người dân chìm trong nước, chỉ còn trơ mái. Người già, phụ nữ và trẻ em ngồi co ro trên nóc” - ông Hòa nhớ lại.

Khoảng 10 giờ đêm, ông Hòa đang chèo thuyền đưa cơm, nước ngọt cho người dân thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh từ phía nhà bà Hồ Thị Xuân. Chạy đến nơi thì thấy cửa chính đóng kín mít trong khi nước dâng lên quá cửa sổ. “Cứu con tôi với! Tôi bị mắc kẹt trên gác, nước ngày càng dâng cao, không tài nào thoát ra được. Con tôi mới sinh được bảy ngày, nó sốt cao quá!” - tiếng bà Xuân hét lên như mếu. Thấy vậy, ông nhanh chóng leo lên mái nhà, dỡ ngói đưa hai mẹ con ra ngoài an toàn. “Cũng may là cháu được đưa đi cấp cứu kịp thời nên sức khỏe không bị ảnh hưởng. Đến bây giờ hai mẹ con thỉnh thoảng vẫn sang thăm hỏi gia đình tôi” - ông cười.

Ông Hòa “đen” (áo vest đen) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề lái đò đưa khách sang sông. Ảnh: T.AN

Mặc vest, đi giày Tây phục vụ khách du lịch

Hơn 20 năm cần mẫn chở khách sang sông, ông Hòa chiếm trọn tình yêu thương của người dân hai bên bờ. Thấy da ông đen sạm đi vì dãi nắng dầm mưa, bà con nơi đây thường gọi ông bằng cái tên Hòa “đen” trìu mến.

Cuối năm 1997, cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh (lúc đó là chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) tìm gặp ông Hòa đề nghị: “Chèo đò cực quá, anh đóng thuyền về sông Hàn làm du lịch đi”. Ông nghe vậy thì mừng quýnh, tim đập thình thịch. Ngẫm nghĩ một hồi ông Hòa đáp: “Trước nay tôi chỉ chèo đò chở khách qua sông chứ biết làm du lịch là làm cái chi, khéo lại làm hỏng việc của các anh”. Thấu hiểu nỗi lo lắng trong đôi mắt ông lái đò già, cố bí thư vỗ vai, cười trấn an: “Đừng lo! Chúng tôi sẽ hỗ trợ anh”.

Được lời như mở tấm lòng, ông bàn với gia đình bán ba chiếc thuyền máy đồng thời vay mượn thêm họ hàng để đóng một chiếc du thuyền khang trang, hiện đại nhất Đà Nẵng. Một ngày nọ, người ta tròn mắt ngạc nhiên khi thấy ông lái đò mặc vest, đi giày Tây lái du thuyền “sang chảnh” phục vụ khách du lịch tham quan TP. Chiếc du thuyền vinh dự được một lãnh đạo TP đặt tên là Tiên Sa, tên một trong những cảng biển quan trọng nhất của miền Trung. Ít ai biết rằng đây cũng chính là chiếc du thuyền đầu tiên xuất hiện trên sông Hàn, mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch Đà Nẵng.

Cần cái tâm gần gũi, chân thành với du khách

Tôi cho rằng làm du lịch phải xuất phát từ cái tâm. Tôi có thể nói những câu còn ngô nghê, chưa trôi chảy như những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhưng điều khách du lịch cần là sự gần gũi, chân thành chứ không phải những thứ màu mè, hoa văn sáo rỗng.

Ông lái đò ĐẶNG VĂN HÒA 

“Chào mừng quý khách phương xa đến với dòng sông Hàn quê tôi”. Với chất giọng khàn khàn, ông Hòa vẫn thường bắt đầu bài giới thiệu của mình bằng những câu từ giản dị, mộc mạc như thế. Không chỉ là thuyền trưởng, ông còn kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch trên du thuyền. Hỏi ai mách ông cách làm hay vậy, ông bật cười: “Nghĩ sao thì tôi nói vậy chứ làm gì có ai dạy. Mới đầu chưa quen nói trước đám đông nên tôi cũng run lắm, nói vấp liên tục. Cũng may những lúc ấy mọi người vỗ tay động viên nên tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh”.

Năm 2003, ông Hòa và em trai thành lập Công ty TNHH Dịch vụ du lịch MTV du thuyền Hàn Giang Tiên Sa. Ông liên kết với các công ty du lịch nhằm mở rộng, nâng cấp dịch vụ trên sông theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Ông lần lượt đóng thêm hai du thuyền để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ngoài phục vụ các tour du lịch trên sông Hàn, công ty còn đưa du khách khám phá, trải nghiệm bán đảo Sơn Trà, đảo cù lao Chàm…

Nhưng rồi những chiếc du thuyền hiện đại, khang trang xuất hiện ngày càng nhiều khiến cuộc cạnh tranh trên sông Hàn càng khốc liệt. Năm 2010, ông Hòa quyết định đưa chiếc Tiên Sa trở lại bến đò xưa. Kể đến đây, ông lái đò bất ngờ đứng dậy vỗ bồm bộp vào mạn thuyền. “Mấy chục năm rồi nhưng anh bạn già (du thuyền - PV) vẫn chạy ngon lành lắm nha. Bữa trước có người trả tiền tỉ nhưng tôi không muốn bán. Bởi nó không chỉ là cần câu cơm mà còn là người bạn tri kỷ, cùng tôi đi qua những năm tháng buồn vui. Giờ thì nó có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn, đó là đi cứu những người gặp nạn trên sông Cẩm Lệ” - ông chia sẻ.

Ký ức đẹp về cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh

Trong mỗi câu chuyện của mình, ông Hòa vẫn hay nhắc về cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh bằng một thứ tình cảm thật đặc biệt. Ông bảo rằng chưa thấy vị lãnh đạo nào gần gũi, bình dị mà thương dân đến như thế. “Hồi tôi còn chèo đò ở sông Cẩm Lệ, những lúc rảnh rỗi ông ấy vẫn thường xuống thuyền hỏi han, thậm chí đi đánh cá với mấy anh em tôi. Có bữa trúng được mẻ cá ngon, ông bí thư vô tư ngồi nhậu với mọi người ngay trên thuyền, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ” - ông Hòa kể.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.