‘Ngọn nguồn dân tộc Việt’ dang dở theo GS Hà Văn Tấn về trời

Đêm 27-11, GS-Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong tứ trụ của sử học Việt Nam, đã từ trần vào lúc 21 giờ 2 phút.

Sự ra đi của ông cùng với những người trong tứ trụ của sử Việt đã để lại một khoảng trống không thể khỏa lấp được. Theo tư liệu của Trường ĐH KHXH&NV, nơi GS Hà Văn Tấn từng công tác, trước khi lâm trọng bệnh, GS Hà Văn Tấn vẫn còn nhiều dự định chưa thực hiện được.

Trong đó, dự định viết một cuốn giáo trình về phương pháp luận của ông chưa viết xong, cũng như giáo trình khác mà GS Hà Văn Tấn muốn viết như sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học… và tập bài giảng về khảo cổ học lý thuyết, về các trường phái khảo cổ học hay về khảo cổ học Đông Nam Á…

GS Hà Văn Tấn tại lễ kỷ niệm thành lập Viện Khảo cổ. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

PGS-TS Tống Trung Tín, một người học trò gần gũi với GS Hà Văn Tấn, cho biết thêm: “Thầy định giải quyết đến cùng vấn đề Văn hóa Phùng Nguyên với việc tìm hiểu ngọn nguồn dân tộc Việt Nam. Trước khi lâm bệnh, thầy nói với tôi quyết tâm sẽ thực hiện cái này đến cùng và bây giờ thôi rồi”.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, các học trò của GS Hà Văn Tấn cũng quyết tâm nhiều nhưng khó kế tục được tinh thần, ý chí với ý tưởng khoa học của GS để hoàn thiện được những điều dang dở đó.

Nói về GS Hà Văn Tấn, TS Nguyễn Gia Đối - quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học bày tỏ ngoài chuyên môn về lịch sử, GS Tấn còn là người am hiểu và xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ học, Hán Nôm, kể cả Phật học, triết học… “GS ra đi là sự mất mát rất lớn cho ngành lịch sử nói chung cũng như ngành khảo cổ học và một số ngành khoa học xã hội” - TS Nguyễn Gia Đối bày tỏ.

Nói về kỷ niệm của mình với GS Tấn, TS Nguyễn Gia Đối nhắc lại lần ông cần hoàn thiện hồ sơ đi học ở nước ngoài, TS Đối đưa đến cho GS Tấn một đề cương bằng tiếng Anh để nhờ GS xem và ký thư giới thiệu.

“Không ngờ thầy đọc rất nhanh và rất kỹ. Trong đó có một từ môi trường bằng tiếng Anh, tôi viết thiếu chữ n, thầy đọc lướt qua đã nhận ra ngay, chứng tỏ là một người trí tuệ sáng suốt, đặc biệt biết rất nhiều thứ tiếng” - TS Nguyễn Gia Đối kể lại.

GS Hà Văn Tấn đã công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học.

Ông được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư (1980) và danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1997). Năm 2001, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về khoa học. Ông được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa lịch sử ĐH Tổng hợp Hà Nội phong là một trong tứ trụ "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" của nền sử học Việt Nam đương đại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm