“Ngồi trên lửa” chờ hướng dẫn!

Chưa kể những trường hợp "chưa bị lộ" thì trung bình mỗi tháng TP có hơn 100 người nghiện. Cộng con số này với các trường hợp trộm cắp vặt, đánh bạc, gây mất trật tự, an toàn xã hội… mà chưa phải là tội phạm, thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả cứ ung dung tồn tại ngoài xã hội và tự tung tự tác hằng giờ, hằng ngày ở khắp nơi?

Đặt vấn đề vậy để thấy rằng lần này các cơ quan thẩm quyền cấp trung ương đã có một thiếu sót lớn khi để xảy ra tình trạng “luật chị” chờ “luật em”. Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2012 giao quyền cho tòa án cấp huyện đưa các đối tượng trên vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Trong ngày thông qua đó, Quốc hội cũng đã có ngay nghị quyết giao UBTV Quốc hội quy định trình tự, thủ tục để tòa án thực hiện công việc mới từ 1-1-2014 đúng như chỉ lệnh của Luật XLVPHC. Thế mà đến giờ - một năm rưỡi chuẩn bị chứ đâu phải ít - pháp lệnh vẫn chưa có. Theo thông tin từ TAND Tối cao, nơi được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo pháp lệnh, bản dự thảo được tạm xem là cuối cùng chỉ mới được gửi đến các cơ quan chức năng vào ngày 19-12-2013! Vậy từ đây đến tháng 4-2014 (thời điểm có thể có pháp lệnh để TAND Tối cao triển khai cho các tòa địa phương thực hiện), các thành phần bất hảo nêu trên sẽ được xử lý như thế nào để dân an tâm?

Tình trạng “muốn thực thi luật phải đợi văn bản hướng dẫn” không phải mới xảy ra lần đầu. Điển hình, dù Luật XLVPHC có hiệu lực vào ngày 1-7-2013 nhưng tại thời điểm đó Chính phủ vẫn chưa ban hành các nghị định xử phạt phù hợp. Và rồi Chính phủ đã phải cho phép các địa phương tạm áp dụng các quy định cũ.

Biện pháp “chữa cháy” này cũng từng được đưa ra trong một số tình huống không hay tương tự và giờ tiếp tục được TAND Tối cao đề xuất để lấp khoảng trống đáng sợ về nguy cơ gia tăng tội phạm. Song theo nhận xét của rất nhiều chuyên gia, “chữa cháy” như vậy là trái thẩm quyền, tức không đúng luật. Bởi lẽ Luật XLVPHC đã có sự thay đổi về người được quyền áp dụng các biện pháp XLHC (trước là chủ tịch UBND huyện, tỉnh - giờ là TAND huyện); và thủ tục (trước là hành chính - giờ là tư pháp). Xem ra, chính người thực thi luật có thể rơi vào thế “lưỡng nan”: Không xử thì không được nhưng xử theo quy định cũ thì khác nào làm “bậy”?

Nói “ngồi trên lửa” chờ hướng dẫn là vì vậy.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm