Ngôi đình cổ nhất Nam Bộ đang 'thoi thóp'

Hơn 300 năm trước, những bậc khai canh xứ Bắc mang gươm mở cõi Nam tiến đã lập đình Thông Tây Hội (107/1 Nguyễn Văn Lượng, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) làm nơi phụng thờ hương khói hai vị hoàng tử con vua Lý Thái Tông. Đình thuở ban sơ chỉ là mái lá, cột kèo tre giữa bốn bề cây cối. Cuối thế kỷ 18, cư dân bản địa nâng cấp đình to đẹp như ngày nay: 12 nếp nhà cổ và một nếp nhà mới được xây trên 800 m2.

12 nhà cổ được xây vào lần phục dựng năm 1883 gồm võ ca, nhà chầu, chánh điện và nhà hội sở.

Qua bao thăng trầm, đình đã xuống cấp ở các hạng mục như cụm nhà võ ca gồm bảy nếp thì nay đã sụp đổ bốn nếp, hỏng mái một nếp, chỉ còn lại hai nếp. Cụ Nguyễn Văn Tý (80 tuổi), trưởng ban quản lý di tích đình Thông Tây Hội, người từng có trên 30 năm gắn bó với việc quét tước, đuổi mối mọt ở đình xót xa: “Cột gỗ đa phần bị mối mọt tấn công, nước ngấm vào hư nát. Nhìn bề ngoài thì đỏ rực màu sơn nhưng kỳ thực bên trong mục rỗng khi nào không hay, rơi xuống là thành cát bụi cả”.

Đình Thông Tây Hội hơn 300 tuổi đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Phần nhà hội sở đã hư hỏng nặng do mối mọt. Ảnh: NGUYỄN TÂN

 
Nhiều cột gỗ hỏng cả gốc và thân có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Đình Thông Tây Hội tọa lạc ở khu đất cao ráo nhất làng Hạnh Thông Tây nhưng trải qua chinh chiến, biến thiên sinh tồn, đất đai xung quanh đình được tôn cao, đình thấp xuống, nước vào khó tiêu thoát.

Những bậc cao niên quanh vùng kể lại, xưa đình nhỏ, mái lá tranh tre nằm giữa khu làng trồng hoa quả với bộn bề khó nghèo cùng man man huyền tích. Nhưng dù khó khăn, chốn linh thiêng vẫn được bà con chăm chút phụng thờ, khói hương. “Như chúng tôi, cũng là người dân cả, không đủ sức kham nổi. Vừa rồi cột bị mọt đục rỗng, anh em góp tiền, góp công khoét ra để trét keo vào. Phần nhỏ thì mình làm được, chứ lớn thì không đủ điều kiện” - ông Tý cho hay.

Nhìn khu nhà hội sở bên hông trái chánh điện với nhiều cột gỗ đã mối mọt, mái ngói âm dương thủng lỗ chỗ, ông Tý xót xa: “Nếu không kịp thời khôi phục thì khu nhà này sẽ sập mất, ngày nắng nhìn còn đỡ chứ mưa thì dột nát, nước tràn lênh láng xuống nền như xát muối vào gan ruột”.

Có thể sẽ trùng tu vào đầu năm 2016

Năm 2015, Sở VH&TT TP.HCM hoàn chỉnh hồ sơ xin trùng tu đình gửi Bộ VH-TT&DL. Bộ đã thẩm định dự án rồi nhưng nguồn vốn của Bộ rót xuống chỉ có 300 triệu đồng thôi, trong khi một công trình lớn như vậy cần khoảng 3,7 tỉ đồng. Số tiền còn lại TP phải đối ứng.

TP đã đề nghị lấy kinh phí của quận nhưng quận cũng rất khó khăn nên đã đề nghị đưa lại lên TP. UBND TP.HCM đã chuyển hồ sơ cho Sở KH&ĐT xem xét, nếu được phê duyệt thì đầu năm 2016 đình Thông Tây Hội sẽ có nguồn vốn để trùng tu. Trung tâm đã thực hiện một cuộc khảo sát về tất cả di tích trong TP và chuẩn bị báo cáo cho Sở VH&TT. Trong năm 2016, TP sẽ tập trung bảo tồn, trùng tu khoảng năm đến sáu công trình di tích trọng điểm trong đó có đình Thông Tây Hội.

Phương án trùng tu đình này là phục dựng lại như cũ bằng các vật liệu thay thế, chỉ giữ lại các bệ đá. Trung tâm đã chụp ảnh các chi tiết và hoàn tất bản vẽ. Việc tìm kiếm các cột gỗ thay thế sẽ rất khó khăn và không dễ có được trong một thời gian ngắn.

Ông TRƯƠNG KIM QUÂN, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn
và Phát huy giá trị di tích-lịch sử TP.HCM.

Khác với các cơ sở tôn giáo, việc phát huy và thu hút vốn xã hội hóa từ các đình, làng là cực kỳ khó khăn bởi quá trình đô thị hóa trong các quận nội thành diễn ra rất nhanh, người dân thực sự gắn bó với mảnh đất đó không còn nhiều nữa. Chỉ có một số quận ngoại thành, các ngôi đình có sự gắn kết truyền đời với người dân ở đó thì có thể tự trang trải như đình Phú Lạc, đình Hưng Long, đình Tân Thới…

Ông TRƯƠNG KIM QUÂN, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn
và Phát huy giá trị di tích-lịch sử TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm