Nghị lực phi thường của Phan Hà Nhật Huy

Nghị lực phi thường của Phan Hà Nhật Huy

(PLO)- Gần ba tháng sau tai nạn thực sự là một cuộc chiến đối với cậu bé người Quảng Bình. Mới 11 tuổi nhưng em phải trải qua tới 16 ca phẫu thuật để cứu đôi chân của mình.

14 giờ một chiều cuối năm, tầng năm của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Đà Nẵng vang lên đều đều những tiếng lọc cọc... lọc cọc.

Dọc hành lang bệnh viện, cậu bé Phan Hà Nhật Huy đang mải mê tập phục hồi cùng mẹ. Mím chặt môi, đôi bàn tay nhỏ nhắn của em siết chặt hai chiếc nạng rồi rướn người bước từng bước về phía trước.

“Ừ, mẹ đi theo phía sau chứ có đỡ con mô” - chị Nghĩa thanh minh.

Huy nhoẻn cười: “Bữa ni tập mấy vòng rứa mẹ?”.

“Mấy cũng được, con mệt chừng nào thì mình nghỉ chừng đó”. Em lại nhíu mày: “Mẹ kỳ rứa, mẹ phải đặt mục tiêu cho con thì mình mới nhanh về nhà được chứ. Rứa bữa ni con đăng ký 14 vòng mẹ nhé?”. 

Thương con mệt nhưng biết tính con, chị gật đầu cười trừ rồi đỡ bé ngồi nghỉ trên chiếc ghế cuối hành lang bệnh viện.

Đón lấy chai nước từ tay mẹ, Huy tu một hơi rồi tíu tít kể cho mẹ nghe đủ thứ chuyện trên đời. Nào chuyện mấy bài tập tiếng Anh thầy giao, chuyện kỳ thi học kỳ sắp tới rồi cả những mẫu chuyện thú vị trong cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà cậu bé đọc.

Chị Nghĩa đứng bên nhẹ nhàng xoa đầu con, đôi mắt mệt mỏi nhưng lấp lánh hạnh phúc. Gần 400 ngày kể từ vụ tai nạn, hình như đã rất lâu rồi hai mẹ con mới có cảm giác vui vẻ và bình yên đến thế.

Cho đến lúc này chị Phan Thị Bích Nghĩa (SN 1981, quê Quảng Bình) vẫn cảm thấy rùng mình mỗi khi nhớ lại chuyện xảy ra với chồng và con trai hơn một năm trước.
Chiều 20-11, anh Phan Văn Thọ cùng con trai đến tri ân thầy giáo dạy tiếng Anh thì bất ngờ gặp tai nạn. Hậu quả là một chiếc xe ben đã cướp đi chiếc chân trái và nửa bàn chân phải của Huy. Anh Thọ bấy giờ bị thương khá nặng nhưng vẫn cố lết tới chỗ con trai. Nhìn thấy mặt con tái nhợt vì mất quá nhiều máu, anh mếu máo xin mọi người nhanh chóng đưa con đi cấp cứu rồi vớ điện thoại gọi cho vợ.

“Tai tôi như ù đi, chân tay thì bủn rủn khi nghe tin hai cha con gặp nạn. Một người bạn sau đó kéo tôi lên xe và chở đến bệnh viện. Tôi tự nhủ phải bình tĩnh, phải tỉnh táo để lo cho hai cha con nhưng thú thực lúc đó đầu óc không còn biết gì nữa” - chị xúc động.

Quãng đường từ nhà đến BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mất khoảng 30 phút nhưng với chị Nghĩa lúc này dài vô tận. Khi chị đến nơi thì Huy đã vào phòng mổ, còn anh Thọ cấp cứu ở phòng bên cạnh do bị gãy mắt cá chân và dây chằng chân phải. Nhìn thấy bóng vợ, sự dằn vặt, nỗi day dứt như dậy sóng, anh vừa lấy tay vỗ ngực vừa òa khóc xin lỗi vợ.

Chị Nghĩa động viên chồng, nhờ người chăm sóc anh rồi chạy vội đi tìm con. Đứng chờ ngoài phòng phẫu thuật, chị thấp thỏm, ruột gan như có lửa đốt mỗi khi bác sĩ thông báo Huy mất quá nhiều máu, phải truyền máu liên tục.

Cuối cùng, ca mổ đằng đẵng cũng kết thúc sau 3 giờ đồng hồ. Các bác sĩ bước đầu đã xử lý nhiễm trùng, cắt lọc phần thịt bị dập, nát ở phần còn lại của chân bị đứt lìa và quanh bàn chân phải.

Nhìn con trai nằm bất động trên giường bệnh, xung quanh là máy móc, dây nhợ, tâm trí người mẹ khi ấy thật ngổn ngang bao điều. “Mọi chuyện sẽ ổn thôi, ráng lên con trai của mẹ!” - nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của con, chị thủ thỉ.

"Tôi trấn an con là ba chỉ bị nhẹ thôi nhưng hắn vẫn không tin, nằng nặc đòi kiếm ba vì “Ba bị nặng lắm đó mẹ”. Còn nhỏ nhưng Huy sống rất tình cảm, lúc đau rứa mà cứ lo cho ba miết thôi. Tới khi tận mắt nhìn thấy ba ở đó thì hắn mới thôi lo lắng” - chị Nghĩa nhớ lại.  
Nghị lực phi thường của Phan Hà Nhật Huy ảnh 5

Chị Nghĩa kể lúc này Huy không còn đau nặng nhưng chân phải của em rất yếu do chỉ trụ bằng mấy ngón chân. Vì vậy, sau nhiều lần hội chẩn với các chuyên gia nước ngoài, giám đốc bệnh viện đã gọi chị lên phòng và gợi ý nên cắt bỏ chiếc chân còn lại, sau đó làm hai chân giả để bé đi lại dễ dàng hơn.

“Bác sĩ bảo giờ không mổ nâng cổ chân thì con không đi được mà mổ thì cũng không biết thế nào. Tuy nhiên, các bác sĩ ngoài Huế đã cố gắng đến chừng này rồi thì họ cũng ráng thêm chút nữa để giữ lại chân cho bé. Sau khi mổ nâng cao cổ chân, nếu sau sáu tháng tập mà con không đi được thì gia đình nên đưa ra quyết định. Bác sĩ nói đi nói lại mấy lần rứa" - chị Nghĩa chia sẻ.   

Chị Nghĩa trở về với con cùng tâm tư nặng trĩu. Chị đương nhiên muốn con có thể đi lại, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác nhưng lo sợ nếu mất đi chân còn lại, con sẽ bị khủng hoảng tâm lý một lần nữa. Sau bao đêm trằn trọc, chị quyết định nói cho Huy chuyện này.

“Tôi bảo chừ con để rứa là đi lại khó, chân phải trụ yếu nên tập thì cũng rất đau. Nếu con cắt đi, làm hai chân giả thì con có thể chạy nhảy dễ dàng hơn. Chừ con tính răng?

Hắn vừa nghe đã kiên quyết: "Không, con để rứa, con chịu được”. Vợ chồng tôi tôn trọng ý kiến của con. Trước mắt cứ tập phục hồi, đợi hắn lớn, hắn quyết định sau. Chứ nếu giờ mình cắt đi, sau hắn đau, không chịu tập thì không biết phải làm sao” - chị nhớ lại.

Tháng 7-2019, sau khi phẫu thuật nâng cổ chân phải, Huy háo hức trở về quê để kịp dự lễ khai giảng năm học mới. Sau đó em trở lại bệnh viện cho ca mổ thứ 16 và ở lại tập vật lý trị liệu cho đến nay. Đáng mừng là sau thời gian nỗ lực tập luyện, em đã có thể tập đi với nạng.

Cách đây hơn tháng, chị Nghĩa thuê một phòng trọ nhỏ gần bệnh viện để con trai có không gian yên tĩnh. Để việc học của con không bị chậm trễ, chị cũng xin nhà trường cho Huy hoàn thành chương trình học trên lớp bằng hình thức online.

Cứ tối tối, cô giáo chủ nhiệm sẽ giảng và giao bài tập, em làm bài, chụp ảnh và gửi lại bài qua Zalo. Biết Huy mê tiếng Anh, chị đăng ký cho con học thêm tại một trung tâm tiếng Anh gần phòng trọ. Được một thời gian thì em phải nghỉ do học phí quá cao. Đổi lại em và thầy giáo tiếng Anh ở quê vẫn thường xuyên nói chuyện qua Facebook để em không quên từ vựng và ngữ pháp.

“Hắn mê học tiếng Anh lắm, cứ tiếc hoài vì năm ngoái không kịp tham gia cuộc thi tài năng tiếng Anh OTE của thị xã Ba Đồn” - chị cười.

Chia sẻ về tình hình của chồng, chị Nghĩa cho hay anh Thọ đi lại khó khăn, sức khỏe cũng yếu đi nhiều sau vụ tai nạn.
Anh làm bảo vệ ở quê với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Bản thân chị trước đây là giáo viên mầm non nhưng sau đó phải xin nghỉ để chăm sóc con. Cứ chiều tối, sau khi cùng con trở về từ bệnh viện, chị lại đi dọn dẹp theo giờ cho một phòng khám tư để có tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con.

“Chồng tôi gọi điện thoại nói chuyện với hai mẹ con mỗi ngày nên chúng tôi không cảm thấy xa cách. Hắn cứ như chú chim chích chòe, tíu tít kể cho ba nghe về mọi thứ ở đây.

Dù vất vả nhưng tôi cảm thấy hài lòng và biết ơn với cuộc sống hiện tại. Mong muốn lớn nhất của vợ chồng tôi lúc này là con tập luyện tốt, sớm lắp được chân giả và sống vui vẻ, hồn nhiên như trước đây” - xoa những vết sẹo ở chân con trai, chị Nghĩa mỉm cười bình thản.

Phía bên kia, cậu bé Huy vẫn đang khúc khích bên những trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Đọc thêm