Nghị lực của chàng trai thấp bé

Quang Văn hiện là chủ một tiệm sửa chữa điện thoại kiêm bán nước mía ở ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh (Châu Thành, Tây Ninh). Nơi vùng sâu biên giới này, dân cư không đông đúc nên thỉnh thoảng mới có khách ghé đến tiệm. Khách lạ không thấy bóng dáng chủ tiệm thì gọi vọng vào trong nhà, chứ khách quen thì biết chủ tiệm lúc nào cũng có mặt, chỉ là anh ấy bị chiếc tủ linh kiện điện thoại che khuất mà thôi.

Bán vé số giúp cha gánh vác gia đình

Trước khi chuyển về vùng sâu biên giới này, Văn ở với gia đình trong căn nhà 48 m2 ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Văn là con thứ tư trong gia đình có năm anh chị em. Từ nhỏ Văn đã ý thức được hoàn cảnh đặc biệt của gia đình mình. Nhà có năm anh chị em thì có ba người “không bình thường”. Mẹ của Văn cũng nghễnh ngãng, hơi lơ ngơ, chỉ làm được một số việc lặt vặt trong nhà. Trụ cột gia đình là cha Văn, một mình gói bánh giò nuôi cả gia đình. Hồi đó Văn thường không ngủ được mỗi khi chiếc xe đạp cọc cạch của cha đi khắp hang cùng ngõ hẻm đến giữa khuya mà vẫn chưa về.

Rồi Văn đi đến một quyết định cực kỳ khó khăn: Nghỉ học đi bán vé số đỡ đần cho cha. Cha Văn ban đầu không đồng ý, muốn Văn phải đi học. Văn đã cãi lời cha, tự đến đại lý vé số lãnh vài chục vé rồi đi bán dạo. Từ đó đôi chân ngắn ngủn của Văn đi hàng chục cây số mỗi ngày để bán vé số, giúp cha có thêm ít tiền chữa bệnh cho chị, nuôi em. Nhiều bạn học, hàng xóm bắt gặp đã chia sẻ, động viên nhưng cũng có những lời châm chọc ác ý. Văn mặc cảm lắm nhưng rồi gắng gỏi vượt qua hết vì: “Có một mình cha làm sao gánh vác được mãi, cha già yếu lắm rồi”.

Quang Văn sửa điện thoại trong cửa tiệm của mình. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Thực ra lúc đó anh trai, chị gái của Văn cũng đã nghỉ học để kiếm việc làm. Anh trai của Văn, người đàn ông khỏe mạnh duy nhất trong nhà, đi phụ hồ kiếm tiền giúp cha gánh vác gia đình. Không bao lâu sau, anh lấy vợ, có con. Cũng nghèo túng nên đồng tiền anh mang về chỉ đủ lo cho gia đình nhỏ của mình. Từ đó Văn xác định mình phải thay cha làm người đàn ông trụ cột lo cho mẹ và chị em bệnh tật ruột thịt của mình.

Để dành tiền, Văn đi học nghề sửa điện thoại. Ngoài giờ học thì đi bán vé số. Học xong, Văn khấp khởi làm hồ sơ xin vào làm việc tại các tiệm điện thoại tư nhân. Nhưng ở đâu người ta cũng từ chối vì thấy Văn thấp bé quá. Thêm nữa, càng về sau này các tiệm điện thoại càng lay lắt vì không cạnh tranh nổi với các siêu thị. Văn gần như mất hẳn cơ hội làm nghề. Cha Văn an ủi con: “Nghề nào cũng tốt, bán vé số cũng tốt vì đó là nghề lương thiện”. Nhưng Văn vẫn quyết tâm, muốn tìm cơ hội nữa vì thấy mình cũng khá… khéo tay.

Năm 2010, những ngày thật sự khó khăn, cùng quẫn như siết chặt cuộc sống gia đình khi cha Văn mất. Anh em Văn bàn với mẹ, bán nhà ở Gò Vấp để về quê nội ở xã biên giới Phước Vinh. Ở đâu cũng phận làm thuê nhưng ở vùng sâu biên giới, dịch vụ chưa phát triển, hy vọng Văn còn có đất dụng võ.

Về quê tiếp tục gánh cả gia đình bệnh tật trên vai      

Vậy là cả nhà Văn dắt díu nhau về Phước Vinh. Số tiền bán căn nhà nhỏ xíu ở Gò Vấp đủ mua một căn nhà rộng hơn, ở vị trí mặt tiền một con đường đất chạy sâu vô ấp. Số tiền còn lại đủ để mua thiết bị mở tiệm, mua xe nước mía và trang trải cho những ngày đầu lập nghiệp.

Người dân ở đây thương hoàn cảnh gia đình Văn nên hay qua ủng hộ uống nước mía, sửa điện thoại. Tuy vậy, sự ủng hộ của bà con hàng xóm cũng chỉ mang lại thu nhập rất khiêm tốn. Quán nước ngày nào đắt khách lắm cũng chỉ lời vài chục ngàn đồng. Còn việc sửa điện thoại thì Văn cho biết: “Trung bình ba ngày mới có một khách hàng tới sửa điện thoại. Ở đây làm ăn khó khăn lắm. Em đang ráng dành dụm để học sửa chữa điện, sửa chữa máy móc nông nghiệp. Khi nào có tiền thì mở tiệm rộng hơn, không thì cũng đi làm thuê cho tiệm người ta được”.

Văn hằng ngày lo kiếm tiền, giúp mẹ chăm sóc chị gái bệnh tâm thần và em trai bị bệnh Down. Chị gái Văn năm nay 30 tuổi, được gia đình đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến nay gia đình không còn đủ tiền và cũng không đủ hy vọng để đưa chị đi chữa bệnh nữa. Chị lơ ngơ, khép kín, không giao tiếp với ai. Em trai Văn gặp ai cũng cười ngô nghê, không tự làm được việc gì kể cả vệ sinh cá nhân nên Văn phải kề cận hằng ngày chăm sóc em.

Cả quãng đời còn lại, Văn sẽ phải gánh vác cả gia đình bệnh tật trên vai. Hỏi Văn nghĩ gì về điều đó, Văn cười: “Từ lúc bỏ học đi bán vé số, em đã xác định đây là trách nhiệm của mình rồi nên không suy nghĩ nhiều, dù cũng có lúc thấy buồn. Buồn vì thấy người thân mình khổ quá...”.

Văn còn rất trẻ, mới chỉ 21 tuổi và cũng nhiều mơ ước. Văn vừa xin tham gia xã đoàn để có sân chơi giao lưu, sinh hoạt với các bạn thanh niên trong xã. Văn vẫn muốn học thêm cho giỏi nghề rồi ra ngoài xã hội tìm một cơ hội cho mình, tìm một công việc ổn định. Nhưng Văn tâm tư lắm: “Bây giờ cả gia đình đều trông chờ vào em, em không dám bỏ đi kiếm việc, lỡ cả nhà đói. Nếu một mình em thì dễ rồi”.

Mới đây một người bạn đã giới thiệu giúp Văn vào làm công nhân trong một doanh nghiệp ở huyện Trảng Bàng. Văn suy nghĩ nhiều lắm và quyết định nắm lấy cơ hội một lần nữa. Văn đi mua hồ sơ, nắn nót ngồi viết đơn xin việc với hy vọng sẽ có một việc làm ổn định. Văn nói: “Chắc cũng phải có chỗ nào người ta nhận người thấp bé như mình chứ. Em như vậy chứ em làm được nhiều việc lắm!”.

NGUYỄN HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm