Ngày mai nào cho bé Phước 5 tuổi?

Cha mẹ thôi nhau khi bé mới tròn sáu tháng tuổi. Gần năm năm qua, Phước theo ông bà ngoại đi thuê đất làm mướn, tuổi thơ của em đã không may khi bị tai nạn nặng nề do giật điện.

“Ngoại ơi, ngoại đâu rồi?”

Tại khoa Phỏng-Tạo hình BV Nhi đồng 1, TP.HCM sáng 16-3, bé Trần Tiến Phước (năm tuổi) nằm sải ngang trên giường bệnh để né những vết bỏng cọ xát vào giường. Ánh mắt bé Phước vẫn đỏ hoe và chưa ngừng thét lên vì sợ. “Ngoại ơi, ở đây với con. Ngoại đâu rồi?” - bé Phước kêu.

Đứng nép bên mép giường yếu ớt, bà ngoại của Phước là bà Lê Thị Mừng (57 tuổi, xã Đông Hưng A, huyện An Minh, Kiên Giang) kể: Sáng 7-3, bà chèo đò qua bên kia sông lấy ít đồ nên để cháu ở nhà với ông ngoại. Lát sau ông ngoại mang dây kẽm ra cắt để cột mấy thanh cây trước nhà. Bé Phước lấy một cọng kẽm chơi rồi vô tình găm vào ổ điện và bị giật bất tỉnh.

“Tôi bơi qua bơi về đâu 15 phút đã thấy thằng bé nằm bất động dưới nền. Ông ngoại nó cũng nằm bên cạnh thất thần. Thực sự cũng không biết thằng nhỏ bị giật điện từ hồi nào. Ổng kêu đang cột dây, quay xuống không thấy nó mới chạy vô nhà tìm thì phát hiện nó nằm chết đơ. Ổng chạy lại ôm nó thì điện giật văng luôn ổng ra. Do ổng bị bệnh tim nên cũng không ngồi dậy nổi, ông cháu mới còn sống” - bà Mừng kể.

Bé Phước mới sinh được sáu tháng thì cha mẹ đưa nhau ra tòa. Cuộc sống quê nhà khó khăn, mẹ giao em cho ông bà ngoại, tha phương làm thuê.

“Nhà không có đất, thuê chỗ này làm mấy tháng rồi lại thuê chỗ khác. Hằng ngày ai mướn gì làm nấy, may mắn thì ngày kiếm được 100.000 đồng, không ai thuê thì chịu. Mọi khi tôi đi làm hay đi chợ đều dắt nó theo, sáng đó nghĩ đi chút về nên bỏ nó ở nhà. Ai ngờ có chuyện” - bà Mừng nước mắt ngắn dài.

Bé Phước được đưa lên bệnh viện huyện, tỉnh rồi lên BV Nhi đồng 1, bà Mừng vội đi vay nóng gần 5 triệu đồng. Chi tiêu tiền xe cộ, đóng viện phí gần 2 triệu đồng để sáng 16-3 bé được mổ.

Bé Tiến Phước đang được bác sĩ chăm sóc tại BV Nhi đồng 1 (ảnh trên) và bàn tay bị bỏng nặng chuẩn bị tháo khớp (ảnh dưới). Ảnh: H.PHƯỢNG

Mong các nhà hảo tâm hỗ trợ

ThS-BS Diệp Quế Trinh, khoa Phỏng-Tạo hình BV Nhi đồng 1, cho biết bé Phước nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt phải và hai tay, cấp độ 3, 4. Vết thương cháy sâu đến gân và xương. Nhiều chỗ có dấu hiệu bị nhiễm trùng, sốc nặng. Khi vừa vào bệnh viện, bé đã được các bác sĩ truyền nước, kháng sinh, lọc da hoại tử và xử lý nhiễm trùng.

“Bé bị bỏng nặng nhưng may mắn là tim, thận đã ổn định. Vì điện gây cháy hết gân, cơ nên hai bàn tay của bé về sau có thể sẽ không còn vận động được. Sáng nay bác sĩ sẽ mổ tháo hai khớp ngón 4, 5. Về phần mặt, bé chắc chắn sẽ bị di chứng biến dạng gương mặt sau này. Ngoài ra, do phần bỏng gần mắt, có thể mắt cháu sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến sau khi bé được phẫu thuật tay và mặt lành lặn, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và giúp bé tập vật lý trị liệu để tránh co rút, biến dạng” - BS Trinh nói.

Theo BS Trinh, Phước sẽ phải nằm bệnh viện thêm hai tháng và trải qua ít nhất ba cuộc phẫu thuật cắt lọc các vùng mô hoại tử, loại bỏ ngón tay, ghép da… Sau đó bé phải mất thêm nhiều thời gian để phục hồi vận động, điều trị tâm lý và ghép da thẩm mỹ.

“Chi phí điều trị của bé đã được BHYT thanh toán gần như 100% nhưng thời gian điều trị lâu, khả năng phục hồi vận động, điều trị sang chấn tâm lý mất thêm khá nhiều chi phí. Gia đình bé Phước quá khó khăn nên bệnh viện mong các mạnh thường quân hỗ trợ bé đến ngày xuất viện. Giúp bé có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống” - ThS-BS Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác xã hội - BV Nhi đồng 1, cho hay.

Chị Nguyễn Thị Diễm (27 tuổi), mẹ của bé Phước, đang làm công nhân ở Bình Dương đã có mặt tại bệnh viện, nói trong nước mắt: "Nhà nghèo, làm cả tháng được hơn 4 triệu đồng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Tích cóp được ít đồng nào là tôi gửi về cho ông bà ngoại nuôi cháu. Một năm tôi chỉ dám về quê một lần. Đang định 30-4 này về thăm thằng nhỏ thì nó gặp chuyện không lành, giờ tôi xin công ty nghỉ nửa tháng chăm con. Ngặt nỗi giờ không biết tìm đâu ra tiền lo cho cháu” - chị Diễm nói trong nước mắt.

Bạn đọc giúp đỡ em Trần  Tiến Phước xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp em Trần Tiến Phước”).

_______________________________

Trung bình mỗi tháng BV Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 2-3 ca bỏng điện nguy hiểm. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cẩn thận với những dụng cụ điện, để xa tầm tay của trẻ em để hạn chế tối đa hiểm họa. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên trang bị kiến thức về cách sơ cứu nạn nhân bị điện giật, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm