Ngân sách dự phòng không đủ bù thiệt hại do dịch tả châu Phi

Sáng 11-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến 8-7, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra 62 tỉnh, thành với tổng số heo phải tiêu hủy hơn 3,3 triệu con. Trong đó có 116 xã thuộc 73 huyện của 23 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh. Cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa xuất hiện dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định dịch tả heo châu Phi tuy nguy hiểm nhưng không đáng sợ nếu thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Ảnh: M.H

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết tỉnh này chỉ có hơn 160 tỉ kinh phí dự phòng, trong khi thiệt hại từ dịch tả heo châu Phi đã lên tới 600 tỉ đồng khiến tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các cơ sở giết mổ tập trung bởi bệnh tật từ đó mà ra. Việc chôn lấp heo bệnh cũng cần phải kiểm tra lại để tránh tình trạng gieo rắc dịch.

Còn đại diện tỉnh Nam Định đề nghị Bộ cần có hướng dẫn về chuyển đổi chăn nuôi hữu cơ. Sau đợt dịch này cần điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ theo hướng chỉ hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi an toàn sinh học, không hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi không kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra.

Về phương án tái đàn, đại diện tỉnh Cà Mau băn khoăn nhiều tỉnh nói tạm thời không tái đàn, định hướng chăn nuôi tập trung, nhưng thực tế cho thấy chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài vì đó là sinh kế của người dân. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn, quá trình ứng phó khó khăn vất vả như dịch tả heo châu Phi. Toàn bộ ngân sách dự trữ hiện không đáp ứng được một phần thiệt hại trong khi diễn biến dịch bệnh vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, dịch bệnh tuy nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ nếu nắm vững nguyên lý tổ chức phòng chống một cách triệt để, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. 

"Trong thời gian tới cần đẩy nhanh nghiên cứu vaccine, chế phẩm sinh học phòng dịch tả heo châu Phi. Nơi nào thực sự an toàn mới tái đàn, không tái đàn bừa bãi để người dân bị thiệt hại kép", ông Cường nói.

Ngoài ra, ông Cường cũng nhấn mạnh cần phải cân đối đủ nhu cầu thực phẩm của người dân. Việc phát triển các nguồn thực phẩm ngoài thịt heo phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm