Nắng nóng kéo dài đến nửa cuối tháng 5

Ngày 26-3, nhiều tỉnh thành ở Nam bộ đã xuất hiện mưa trái mùa nhưng lượng mưa không đáng kể và xuất hiện mưa cục bộ này không xua được không khí oi bức đến ngột ngạt đang bao trùm toàn khu vực Nam bộ.

Ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết trong những ngày qua nhiệt độ tại nhiều tỉnh thành ở mức cao.

Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được những ngày qua là 37,5OC (Đồng Phú, Bình Phước), tại TP.HCM nhiệt độ cao nhất là 36OC (ngày 25-3), chưa có nơi nào nắng nóng đạt đến mức “lịch sử” 40,1OC (tại Đồng Xoài, Bình Phước năm 1987) hay 39OC (trạm Tân Sơn Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM năm 1998).

Nắng nóng kéo dài đến nửa cuối tháng 5 ảnh 1

Người dân TP.HCM sẽ phải "chịu đựng" nắng nóng cho đến nửa cuối tháng 5 - Ảnh: Quang Định

* Nhưng nhiều người cho rằng nắng nóng oi bức đến ngột ngạt kéo dài từ sáng sớm đến tận đêm, vì sao thưa ông?

- Thời tiết oi bức, ngột ngạt do đây là thời gian cao điểm của mùa khô. Mặt trời ở vị trí gần đường xích đạo, chiếu ánh sáng trực tiếp xuống khu vực Nam bộ. Trong khi đó, những khu vực đô thị như TP.HCM có mặt đệm phần nhiều là các khối bêtông (nhà cửa, công trình xây dựng...) có khả năng hấp thu nhiệt và tỏa nhiệt trở lại nên tạo cảm giác nóng hơn.

Một yếu tố quan trọng khác gây ra tình trạng oi bức là tốc độ gió quá thấp. Trong tháng 3, tốc độ gió dưới 4m/giây (cấp 1-2) chiếm gần 98%, hầu như không có gió nên bầu không khí nóng bức bao trùm không được luân chuyển, không được làm mát. Vào ban đêm, mặt đệm đã hấp thu nhiệt từ ban ngày tỏa nhiệt trở lại môi trường xung quanh cũng làm nền nhiệt độ duy trì ở mức cao 25-26OC, gây cảm giác oi bức.

* Thời tiết oi bức còn kéo dài bao lâu? Liệu nắng nóng có khả năng lặp lại các mức “lịch sử” từng xảy ra không, thưa ông?

- Nắng nóng sẽ còn kéo dài đến nửa cuối tháng 5. Tuy nhiên, xen kẽ giữa những đợt nắng nóng sẽ có những ngày có mưa rào và dông do bị ảnh hưởng bởi các nhiễu động mang những đám mây dông từ biển vào đất liền, cộng với việc nước bốc hơi nhanh trong những ngày nắng nóng. Cũng giống như những trận mưa vừa qua, mưa xuất hiện trong thời gian này chỉ cục bộ và lưu lượng không lớn, nên sau mỗi đợt mưa trời còn nóng bức dữ dội hơn.

Theo đánh giá sơ bộ, lượng mưa trái mùa trong giai đoạn này ít hơn trung bình các năm và nhiệt độ cao nhất cũng khó đạt đến các mức “lịch sử”. Nhiệt độ cao nhất tại Nam bộ theo dự báo có thể đạt 38-39OC. Nắng nóng kéo dài nên tình hình nhiễm mặn sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là vào các đợt triều cường có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL và việc cấp nước ở khu vực TP.HCM.

* Khô hạn gay gắt có báo hiệu mùa mưa năm nay đến sớm hơn, thưa ông?

- Theo nhận định sơ bộ, khoảng trung tuần tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa. Bắt đầu từ thời gian này tần suất mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn, trong cơn mưa thường kèm theo dông, sét, lốc xoáy, thậm chí cả mưa đá. Nguyên nhân chủ yếu do sự xung đột giữa các khối khí nóng và lạnh.

Đến cuối tháng 4, một số tỉnh Nam bộ như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bước vào mùa mưa sớm. Sau đó mưa sẽ đồng loạt xuất hiện ở các tỉnh khác cho đến nửa cuối tháng 5. Dự báo thời điểm đầu mùa mưa, lượng mưa sẽ nhiều hơn so với các năm.

Theo Quang Khải thực hiện (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm