Nắng nóng dữ dội làm miền Trung 'điên đảo'

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 2 đến 11-7, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận ngày có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất từ 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Đi ô tô cũng phải tránh nắng nóng

Tại TP Đà Nẵng, người dân lưu thông bằng xe máy bịt kín mít từ đầu đến chân. Từ 9 đến 15 giờ, nhiều người chen chúc tấp vào bóng râm để chờ đèn đỏ, có người  leo lên cả vỉa hè để tránh nắng.

Bà Nguyễn Thị Bê (60 tuổi) che thêm dù trên xe ve chai của mình vì quá nắng. Ảnh: HẢI HIẾU

Những người đi ô tô cũng không ngoại lệ, họ sắm thêm những tấm che nắng, dán kính đen. Một vài phụ nữ lái ô tô nhưng vẫn trang bị đủ khẩu trang, kính râm như người đi xe máy.

Dưới những bóng mát ở công viên, dưới gầm cầu vượt được nhiều người trải chiếu, đem giường xếp, ghế bố ra nằm. Những hàng nước uống giải nhiệt bán chạy những ngày này là dừa, nước mía.

Anh Trần Anh Cường, Giám đốc một công ty xây dựng đang thầu một công trình làm đường ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), cho biết anh đã thay đổi giờ làm cho công nhân của mình.

Người dân đem ghế ra nằm dưới cầu vượt, người đi đường bịt kín từ đầu đến chân. Ảnh: HẢI HIẾU

“Sáng làm sớm hơn và nghỉ trưa cũng sớm hơn. Đến 2 giờ chiều mới bắt đầu làm việc và nghỉ trễ hơn bình thường nửa tiếng. Làm như vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Tránh công nhân ngất xỉu vì nắng nóng" - anh Cường cho hay.

Cũng theo anh Cường, hầu hết công nhân đều đồng tình với cách phân bổ thời gian này. Trong những ngày này, anh cũng cho tăng tiền công thêm 20.000-50.000 đồng để công nhân có thêm tiền uống nước giải khát.

Nắng nóng cũng khiến nước trên nguồn thiếu trầm trọng tại Quảng Nam. Nhiều khúc sông Vu Gia-Thu Bồn cũng nhỏ lại, nhiều đoạn chỉ còn trơ bờ cát, đá. Nước đang dần cạn kiệt.

Nhân viên điện lực đang tỉa ngọn cây đụng vào đường dây giữa cái nắng như đổ lửa. Ảnh: HẢI HIẾU

Ông Nguyễn Văn Lễ (Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết tình trạng nắng nóng thời gian qua khiến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong xã bị thiếu hụt do nước từ khe nước trên núi bắt đầu cạn dần. Hợp tác xã Đại Hồng cũng không đủ nước tích trữ ở các đập tràn và cung cấp cho người dân.

Thiếu nước khiến người dân tại đây phải dùng nước giếng. Nếu khu vực nào không có nước giếng thì phải đi chở nước hoặc phải chờ đến đêm để canh hứng dữ trự sử dụng trong ngày. Nắng nóng đang làm cuộc sống người dân đảo lộn.

Ngành điện nước hoạt động hết công suất

Tình trạng nắng nóng cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp các nhu cầu điện nước cho người dân. Mọi người sẽ sử dụng nước nhiều hơn cho sinh hoạt. Nhu cầu sử dụng máy điều hòa, quạt cho việc làm mát cũng tăng cao.

Người dân và du khách đổ xô về biển Đà Nẵng vì quá nắng nóng. Ảnh: HẢI HIẾU

Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng, nắng nóng khiến nguồn nước để xử lý nước sạch bị nhiễm mặn nhiều hơn. Nếu như có mưa, nước trên nguồn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ đổ về, tình trạng xâm nhập mặn sẽ giảm. Còn bây giờ, khi thời tiết nắng, các hồ thủy đang tích nước để đảm bảo hoạt động nên lượng nước đổ về hạ lưu ít hơn.

Do đó, công ty đã phải hoạt động thêm trạm xử lý An Trạch. Có ngày trạm phải hoạt động cả năm máy xử lý nước để đảm bảo chuẩn nước sạch cung cấp cho người dân.  

“Nắng nóng sẽ gây khó khăn cho việc xử lý nước sạch, chúng tôi đã có các phương án dự phòng. Khi cao điểm nắng nóng, kinh phí xử lý, sản xuất nước sạch chắc chắn sẽ tăng cao nhưng chúng tôi vẫn không tăng giá nước” - ông Hương khẳng định.

Người phụ nữ chạy ô tô những vẫn mang khẩu trang, đeo kính râm. Ảnh: HẢI HIẾU 

Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng cho biết với tình hình thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài, trùng với thời điểm diễn ra World Cup 2018 nên nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Trong những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2018, phụ tải ngày cao nhất đạt 2.790 MW,  tăng 6,3% so với cùng kỳ. Sản lượng điện cao điểm nhất đạt 59 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng công ty đã chủ động bảo đảm nguồn và lưới điện phục vụ nhu cầu của nhân dân trong khu vực vào mùa nắng nóng. Tổ chức lập phương án, biện pháp đảm bảo cấp điện mùa khô 2018. Cùng với đó là khuyến cáo người dân cần sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Thức uống bán chạy ngày nắng nóng ở Đà Nẵng. Ảnh: HẢI HIẾU

Rất nhiều giao lộ, người dân chờ đèn đỏ chen nhau núp nắng trong bóng râm. Ảnh: HẢI HIẾU

Thêm vào đó, nắng nóng cũng gây khó khăn có các nhân viên nghành điện. Những người này không chỉ đối mặt với cái nóng của thời tiết mà còn phải hứng chịu sức nóng tỏa ra từ các thiết bị trên cột điện, trạm biến áp, hơi nóng của bê tông phả ra từ mặt đường làm nhiệt độ tăng lên tới 51-52 độ C.

Công nhân điện phải làm việc nhiều hơn để kịp thời kiểm tra, phát hiện các nguy cơ xảy ra sự cố để xử lý. Hết giờ hành chính lại tiếp tục trực đêm, nếu có sự cố ở đâu là sẵn sàng lên đường ứng phó và sửa chữa để phục vụ người dân đủ điện sinh hoạt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm