Nâng mức phạt với lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ

Văn bản mới nhất do thứ trưởng Bộ Công an - Trung tướng Phạm Quý Ngọ ký về kế hoạch thực hiện Năm an toàn giao thông Quốc gia 2012 nêu nhiều nội dung, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Xử lý hình sự tai nạn giao thông nghiêm trọng

Bộ Công an là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT xây dựng quy định nâng mức xử phạt đối với một số hành vi nguy hiểm như không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở, vi phạm các quy định về tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, chở quá số người cho phép, chở quá số người không đúng quy định...

Ngoài việc nâng mức phạt, các lỗi vi phạm trên cũng sẽ được ngành tập trung xử lý  theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách, xe tải và xe mô tô vi phạm. Theo hướng dẫn, các lỗi vi phạm tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định, đi không đúng làn đường, tránh vượt sai, vi phạm quy định về thời gian lái xe, đón trả khách không đúng nơi quy định, không đội mũ bảo hiểm, học sinh sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép điều khiển xe máy sẽ được tập trung xử lý.

Bộ Công an cũng chỉ đạo cán bộ chiến sĩ trong ngành thực hiện nghiêm túc việc điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, kiên quyết đề nghị truy tố trước pháp luật. Ngành sẽ khởi tố, đề nghị truy tố và xét xử điểm công khai các trường hợp đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.

Các trường hợp sản xuất, hưu hành, sử dụng giấy phép lái xe giả, bằng, chứng chỉ chuyên môn lái tàu thuyền giả, các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định chất lượng phương tiện cũng sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm.

Bên cạnh việc áp dụng phạt mức gấp đôi tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí  Minh, lực lượng Công an sẽ tiếp tục thí điểm hình thức này ở một số đô thị trọng điểm khác.

Năm 2012, Bộ Công an chủ trương tham mưu với Chính phủ xây dựng quy định tịch thu các phương tiện đua xe trái phép, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong năm tới, Bộ Công an cũng kiến nghị thay hình thức gửi thông báo vi phạm giao thông về địa phương bằng hình thức đăng lỗi vi phạm của cá nhân lên báo chí.

“Chỉnh” hành vi của CSGT

Văn bản của Bộ Công an nêu rõ “nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ Công an can thiệp vào việc xử  lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông”. Trường hợp cán bộ, chiến sỹ trong quá trình tuần tra mà có tiêu cực, sai phạm, có đủ căn cứ vi phạm pháp luật hình sự  phải truy tố theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý liên đới trách nhiệm của cấp lãnh đạo trực tiếp.

Bộ Công an cũng yêu cầu Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) phối hợp với công an địa phương tăng cường lực lượng và sử dụng tối đa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, nhân rộng mô hình tổ công tác 141 (cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động) của Công an Hà Nội để tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông vận tải quản lý hoạt động vận tải ngay tại bến, kiên quyết không cho xuất bến đối với ô tô không đảm bảo quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển và thể lệ vận tải.

Đối với giao thông đường sắt, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn chạy tầu, ngành Công an cũng sẽ phối hợp thực hiện lộ trình xóa bỏ các đường ngang trái phép trong cả nước.

Ngành Công an sẽ phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đình chỉ các bến phà, cảng, phương tiện giao thông thủy không đầy đủ quy định an toàn, thoát hiểm; tăng cường quản lý hoạt động chở khách ngang sông.

Theo P.Thảo  ( DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm