Năm 2030, VN sẽ giải quyết căn bệnh lao thế kỷ

Chiều 8-12, BV Phổi Trung ương đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin mới nhất về bệnh lao, đồng thời đẩy mạnh cam kết đa ngành thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống lao và hưởng ứng Tuyên bố Matxcơva về chấm dứt bệnh lao toàn cầu năm 2030.

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, cho biết Hội nghị cấp bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về phòng chống lao do Chính phủ Liên bang Nga và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp tổ chức tại Matxcova trong hai ngày với các phiên toàn thể và các phiên thảo luận chuyên đề nhằm đi đến một tuyên bố chung về cam kết chính trị hành động chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Theo đó, trong năm 2014 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 của WHO. Việt Nam đặt chỉ tiêu giảm 30% tỉ lệ mắc hiện nay và giảm 40% tỉ lệ tử vong do lao trong năm năm (2015-2020).

PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết bệnh lao đã tồn tại hàng ngàn năm và nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn lao cũng đã được biết đến từ 134 năm trước nhưng đến nay căn bệnh này vẫn gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.

Đặc biệt số bệnh nhân không được phát hiện, được gọi là tảng băng chìm, cũng có xu hướng giảm. Mỗi năm cả nước có khoảng 126.000 người mắc lao, trong đó chỉ 105.000-106.000 người được phát hiện bệnh, còn lại khoảng 20.000 người chưa được phát hiện.

Về việc phát hiện sớm bệnh lao, chuyên gia khuyến nghị người dân nên lưu ý khi có các triệu chứng hô hấp như ho hoặc sốt. Để phát hiện, bác sĩ sẽ chụp phim (có tính sàng lọc rất cao), sau đó xét nghiệm đờm để khẳng định bệnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc để người dân được tiếp cận phổ cập với dịch vụ phòng chống lao, các nghiên cứu đổi mới và kinh nghiệm vận động tăng đầu tư trong nước cho phòng chống lao Việt Nam được PGS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ đã được đánh giá cao.

Được biết năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 của WHO. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỉ lệ hiện mắc và giảm 40% tỉ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng năm năm (2015-2020).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm