Những người bảo vệ động vật hoang dã ở Cà Mau - Bài 2

Muông thú tề tựu và cuộc chiến mới ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích vùng lõi hơn 8.000 ha. Xung quanh được bao bọc bởi vùng đệm, là phần đất được giao cho người dân quản lý, sản xuất. 
Thú lạc ra vùng đệm ngày một nhiều
Khái quát về tình hình bảo vệ vườn, bảo vệ động vật hoang dã, anh Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, nói: “Đến nay thì đàn thú của vườn phục hồi rất đông đảo. Nhiều nhất là rái cá, nai, heo rừng, khỉ… Cũng may mắn là cán bộ vườn ngày càng yêu thích công việc, bảo vệ quyết liệt. Quan trọng hơn là cô bác ở vùng đệm giúp chúng tôi rất nhiều”. 
Kỹ sư Nguyễn Tấn Truyền và cán bộ Dương Văn Nhã kể sơ qua một số vụ thú lạc. Đầu năm 2018, hai con nai to hơn trăm ký mỗi con đi qua vườn chuối của anh Sơn ở vùng đệm. Anh Sơn gọi điện thoại báo cán bộ vườn qua lùa về. Năm 2019 và 2020, có cả chục lần dân vùng đệm báo có heo rừng, nai đi lạc và đã lùa về hết. “Rái cá rất nhiều, đi lung tung hết. May mà người dân vùng đệm nay đã hiểu biết pháp luật, họ không dám bắt thịt vì sợ ở tù. Anh Nguyên giám đốc rất căng cái vụ này. Dù không có thẩm quyền xử lý nhưng anh đeo bám liên tục khi vụ việc xảy ra, kiến nghị xử lý rất nghiêm” - anh Truyền nói. 
Giám đốc Nguyên cho biết: “Việc bảo vệ khu vực vườn thì đến nay khá là ổn. Kẻ trộm không dám vào đâu, chốt canh dày, vào thì khó thoát. Cái khó mới xuất hiện là tình trạng thú lạc bị các đối tượng xấu bắt thịt bán. Cũng còn may là chúng tôi được người dân vùng đệm hỗ trợ rất tích cực trong việc chung tay bảo vệ đàn thú lạc”.
Chuyện thú ở vườn quốc gia lạc ra ngoài được người dân địa phương biết rõ nhiều năm qua. Thông tin đó tất nhiên là cũng lọt vào tai những đối tượng xấu. Và những vụ trộm cắp thú lạc đã bắt đầu diễn ra. 

Kỹ sư Truyền giới thiệu về sa bàn Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.
Ảnh: TRẦN VŨ 

Cuộc chiến mới với các băng trộm thú rừng 
Gần đây nhất là ngày 24-11-2020, người dân đã báo cho vườn một vụ bắt trộm nai rừng. Từ nguồn tin này, lãnh đạo vườn đã bố trí lực lượng chặn bắt được một xe tải đang chở con nai rừng bị xẻ ra làm năm mảnh. 
Dương Văn Nhã là một trong tám cán bộ vườn trực tiếp vây bắt vụ trộm nai ấy kể: “Chúng tôi báo ngay cho công an xã, kiểm lâm địa bàn. Tuy nhiên, do sự việc cấp bách nên giám đốc chỉ đạo một tổ phục kích theo dõi. Và chúng tôi đã phát hiện bốn người đi trên hai xe máy, chở theo hai bao lớn”.
Khi hai cái bao lớn được chuyển lên một xe tải, công an xã, kiểm lâm địa bàn vẫn chưa xuất hiện, nhóm của Nhã buộc phải ra tay. 
Trương Duy Kha - một cán bộ vườn dùng xe máy của mình chặn ở đầu chiếc xe tải rồi cùng anh em ập đến bắt quả tang. Bốn người vận chuyển thấy cán bộ vườn liền chạy mất. Tài xế cũng là chủ chiếc xe tải này là Trần Hải Dương nhanh như sóc, nhảy lên xe đề máy tẩu thoát. 
Cán bộ Nguyễn Văn Sỵ đeo theo ôm vô lăng. Phía bên phụ xe thì có Huỳnh Văn Tâm cũng vừa kịp mở cửa nhảy lên để khống chế Trần Hải Dương. 
“Thế nhưng, Trần Hải Dương vẫn cố cho xe chạy. Xe rấn tới tông vào chiếc xe máy của Kha rồi vọt đi. Nhưng Sỵ và Tâm liều mạng ôm vô lăng nên chiếc xe chỉ chạy được gần 50 m thì phải dừng lại vì lủi vào cây xanh bên lề đường. Lúc này thì Sỵ và Tâm “ăn” biết nhiêu cái cùi chỏ của Trần Hải Dương, vào mặt, vào bụng, sưng vù” - Kha kể lại. 
Vài phút sau, công an và kiểm lâm đến. Số tang vật cân được là 103 kg, bao gồm bốn đùi và cái đầu nai. Không có phần nội tạng. Anh em kỹ thuật của vườn ước tính con nai khi còn sống khoảng 150 kg. 
Sự việc hiện đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Trần Văn Thời, Cà Mau để xử lý theo pháp luật. 
Từ thợ săn trở thành cán bộ quyết liệt bảo vệ thú rừng 
Khi nghe anh em kể dứt câu chuyện, kỹ sư Nguyễn Tấn Truyền cười bảo: “Hồi nào làm thợ săn bắt thú rừng. Nay lại liều mạng bắt tội phạm xâm hại thú rừng. Một sự trả nợ rừng rất ý nghĩa”. 
Anh Truyền nói vậy bởi vì trong nhóm anh em liều bắt vụ trộm nai nói trên có hai người từng là thợ săn chuyên nghiệp, được lãnh đạo vườn thu phục bỏ nghề, quay sang bảo vệ động vật. Trong đó có một người từng bị đưa đi trường giáo dưỡng vì săn bắt thú rừng. Đó cũng là người bị “ăn” nhiều cùi chỏ nhất khi cố khống chế Trần Hải Dương phải dừng xe. 
Không khoan nhượng với mọi hoạt động xâm hại thú rừng là một tinh thần được Giám đốc Nguyên quán triệt đến mọi cán bộ, nhân viên vườn. Anh rất vui khi nói về điều này, ở góc độ sự ủng hộ của anh em vườn và người dân địa phương. “Từ chỗ có cả trăm người dân vùng đệm luôn túc trực thú lạc ra là vây bắt, thịt, bán thì nay chỉ còn có sáu người. Nguyên nhân là có sự ủng hộ của cô bác vùng đệm. Họ thấy nhân viên vườn gương mẫu, kiên quyết. Họ báo vụ nào là anh em quyết tâm làm cho ra lẽ, đề nghị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm hết cả nên họ tin và họ giúp” - anh Nguyên nói. 
Tuy nhiên, điều Giám đốc Nguyên thấy hạnh phúc nhất là sự xuất hiện của những con người biết yêu thiên nhiên thực sự. Bởi đó mới là thành trì vững chắc nhất cho đàn thú rừng Vườn quốc gia U Minh Hạ. 
Theo kỹ sư Truyền, sau nhiều năm quyết tâm bảo vệ, Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện phục hồi rất đáng kể số lượng chim, thú hoang dã. Hiện vườn đang tiến hành các dự án kiểm đếm, gắn chip quản lý. “Qua việc bẫy ảnh cho thấy sự phục hồi muông thú đang rất mạnh, cả về số lượng cá thể và chủng loài. Anh em đang tiến hành các dự án bảo tồn với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trong và ngoài nước” - kỹ sư Truyền nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm