Một tháng 13.700 người TP.HCM, Bình Dương thất nghiệp

DN giảm quy mô dẫn đến số lượng lao động mất việc, giãn việc ngày mỗi tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 2, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng gần 60% so với tháng 1 (gần 30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người)…

Đáng chú ý, tại TP.HCM, riêng tháng 2 có 9.872 người lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 4.408 người so với tháng 1 (thời điểm chưa xảy ra dịch). Đặc biệt, chỉ trong đầu tuần tháng 3, TP.HCM có tới 2.643 lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số lao động thất nghiệp ở TP.HCM chủ yếu ở các DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) và DN tư nhân.

Tương tự, tại Bình Dương, trong tháng 2 cũng có 3.835 người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 696 người so với tháng 1. Và đầu tuần tháng 3 con số này là 2.294 người. Lao động nghỉ việc tập trung ở khối tư nhân và DN FDI.

Trước khó khăn trên, ông Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐ-TB&XH đã có đề án với sáu nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho DN và người lao động.

Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là bộ đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là DN có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, DN bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên.

“Bộ cũng đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần bảo hiểm xã hội. Đồng thời, không khống chế tỉ lệ 50% đối với DN mà việc này áp dụng cho mọi DN, kể cả DN bị ảnh hưởng 10%. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH theo chúng tôi là từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Nhóm giải pháp thứ hai, tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020.

Nhóm giải pháp thứ ba, sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động. Hỗ trợ DN và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.

Nhóm giải pháp thứ tư, hỗ trợ DN trả tiền lương cho người lao động trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời. Mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để DN ổn định.

Bên cạnh đó, đề xuất Nhà nước cho DN vay tiền để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động phải thôi việc, mất việc. “Tức là Nhà nước hỗ trợ cho DN vay tiền nhưng không tính lãi…” - ông Đào Ngọc Dung giải thích.

Nhóm giải pháp thứ năm là chính sách tín dụng với người lao động, DN vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã...

“Cuối cùng, bộ đã bàn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các DN theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn….” - ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm