‘Một người biết lo bằng kho người biết làm!’

Ngày 7-8, Chính phủ tổ chức hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong phát biểu khai mạc nhận định năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với số tương đối của các quốc gia trong khu vực.

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp

Sau khi điểm qua các số liệu về NSLĐ của Việt Nam với một số nước ASEAN, các nhân tố tác động đến NSLĐ, Bộ trưởng Dũng nói: “Cải thiện NSLĐ có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới”.

Một trong những biện pháp cải thiện NSLĐ quốc gia mà Bộ trưởng Dũng đề cập là cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để hình thành cơ quan chuyên sâu về NSLĐ, thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Mặt khác, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng nâng cao NSLĐ khu vực doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quyết định tới nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế.

“Nhà kinh tế Paul Krugman nói năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu dài thì gần như là tất cả. Như vậy tăng NSLĐ chính là con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững nhằm có được thu nhập bình quân đầu người 15.000-18.000 USD vào năm 2035 như đã đề ra trong báo cáo Việt Nam 2035” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói.

Cũng theo ông Lộc, tăng NSLĐ giai đoạn vừa qua chủ yếu nhờ sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Thời gian dài Việt Nam lấy lao động giá rẻ và chi phí thấp làm lợi thế cạnh tranh đã khiến các DN lơ là trong nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn… Điều ấy dẫn đến NSLĐ Việt Nam ngày càng thấp so với các nước trong khu vực.

Ông Lộc đề nghị Thủ tướng phát động phong trào năng suất quốc gia, tập trung vào tăng hiệu quả và năng suất cho các DN, tổ chức thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thúc đẩy cải cách mạnh hơn nữa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị cho rằng NSLĐ Việt Nam nếu tính theo cách thông thường thì còn thấp nhưng đang được cải thiện nhanh chóng.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân chỉ số NSLĐ chưa cao là do xuất phát điểm thấp, thể chế kinh tế còn nhiều điểm nghẽn, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu. “Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất của nước ta cũng đang dần thu hẹp khoảng cách với các nước. Theo đánh giá của IMF, chỉ số TFP từ năm 2013 đến nay của Việt Nam đã tăng đáng kể, chỉ số đổi mới sáng tạo cũng tăng liên tục trong năm năm qua. Chúng ta có một niềm tin là chúng ta đang đi đúng hướng” - Thủ tướng khẳng định.

Từ đó Thủ tướng cho rằng để cải thiện NSLĐ, Việt Nam cần phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả. Tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (phía người lao động) lẫn phía cầu (phía DN) của thị trường lao động. Cạnh đó thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam. Tiếp tục hội nhập quốc tế để cải cách bên trong tốt hơn.

“Một người biết lo bằng một kho người biết làm. Năng suất ở đây chứ ở đâu nữa. Người tài bao giờ cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội và trong đó giải quyết vấn đề năng suất rất là căn bản” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT sớm thể chế hóa nội dung hội nghị, đề xuất Thủ tướng ban hành một văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành triển khai việc cải thiện NSLĐ. “Không để lời nói gió bay” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm