Mong cha mẹ Cà Rốt tìm nhận lại con

“Sáng 1-3, đại diện Làng thiếu niên Thủ Đức, TP.HCM gọi điện thoại thoại bảo tôi ngày mai đến nhận bé Cà Rốt (tên thường gọi của cháu Đỗ Pháp Chí, sáu tháng tuổi) về nuôi. Nghe được tin này tôi bỏ hết mọi công việc vì quá mừng vui, bồn chồn đi ra đi vào” - chị Đỗ Thị Hạnh (42 tuổi, tạm trú khu phố 5, phường An Phú, quận 2, TP.HCM) chia sẻ về câu chuyện bé Cà Rốt.

Chị Đỗ Thị Hạnh hạnh phúc bên bé Cà rốt. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thương Cà Rốt ngay cái nhìn đầu tiên

Chị Hạnh kể: “Sáng hôm sau (2-3), tôi đến sớm và mang bé Cà Rốt về nhà. Thấy bé nóng và ho, tôi vội đưa tới BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) để khám. Mặc dù không phải con ruột nhưng mỗi lần nghe Cà Rốt ho và khóc là tôi đứng ngồi không yên”.

Chị Hạnh có thói quen đi chùa vào sáng sớm. Cách đây độ sáu tháng, lúc đó khoảng 5 giờ, chị Hạnh vừa bước vào cổng chùa Diệu Giác (phường Bình An, quận 2) thì nghe tiếng khóc yếu ớt phát ra từ túi du lịch màu xanh đặt cạnh tường.

“Mở túi xách ra xem, tôi thấy một bé trai độ 10 ngày tuổi mới rụng rốn. Bé xanh xao và hầu như kiệt sức do khóc quá lâu. Vừa bế lên, bé ôm chặt tôi như muốn tìm chút hơi ấm. Lát sau bé mở mắt nhìn và tôi cảm nhận có sợi dây vô hình nối kết bé và tôi. Nhìn ánh mắt của bé, tôi thương vô cùng. Tôi đang sống một mình nên quyết định đưa bé về nuôi” - chị Hạnh kể lại.

Cà Rốt trong vòng tay thương yêu của chị Đỗ Thị Hạnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Do chùa Diệu Giác nằm trên địa bàn phường Bình An nên chị Hạnh bế bé đến UBND phường này trình bày sự việc và xin được nuôi bé. Để bé tạm thời có người chăm sóc, UBND phường Bình An đồng ý. “Tôi mừng hết sức và đặt tên cho bé là Đỗ Pháp Chí. Tôi còn đặt thêm tên gọi ở nhà là Cà Rốt. Từ khi có Cà Rốt, tôi không còn cô đơn và hiu quạnh. Tiếng cười, khóc của Cà Rốt khiến căn phòng tôi trọ luôn ấm áp” - chị Hạnh trải lòng.

Chị Hạnh giúp việc nhà cho các gia đình theo giờ nên đã sắp xếp thời gian để có thể chăm sóc Cà Rốt thật tốt. Chị thường xin sữa của người quen có con nhỏ cho Cà Rốt uống. Chị cũng lấy tiền dành dụm mua thêm sữa bột cho Cà Rốt dùng. “Chỉ sau vài tháng, Cà Rốt bụ bẫm thấy thương. Bé lanh lẹ và luôn cười. Đối với tôi, không hạnh phúc nào bằng hạnh phúc có Cà Rốt bên cạnh” - chị Hạnh tỏ lòng.

“Ba má bé Cà Rốt ở đâu?”

Sau ba tháng kể từ ngày chị Hạnh mang Cà Rốt về nuôi, đại diện UBND phường Bình An đến nhà và bảo chị Hạnh tạm đưa Cà Rốt về Làng thiếu niên Thủ Đức nuôi. Về phần chị Hạnh, UBND phường Bình An và Làng thiếu niên Thủ Đức sẽ hướng dẫn thủ tục nhận con nuôi.

“Nhiều lúc tôi định bỏ cuộc vì thủ tục xin con nuôi quá phức tạp. Tuy nhiên, vì sợ không được nuôi Cà Rốt nên tôi không ngại bỏ công chạy tới chạy lui để bổ túc hồ sơ đúng pháp luật. Sau gần ba tháng, thủ tục xin con nuôi cũng hoàn tất. Suốt ba tháng qua, hầu như đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ yên vì nhớ Cà Rốt.” - chị Hạnh nói.

Chị Hạnh tâm sự chị sẽ cố gắng làm việc để lo cái ăn, cái mặc cho Cà Rốt, sẽ chăm Cà Rốt thật tốt và nuôi dạy bé nên người. Chúng tôi đặt câu hỏi: “Một ngày nào đó, ba má ruột Cà Rốt đến xin nhận lại thì chị nghĩ sao?”. Không chút đắn đo, chị Hạnh trả lời: “Cha mẹ nào lại không thương con. Có lẽ do hoàn cảnh éo le nên cha mẹ Cà Rốt phải đau lòng bỏ con. Trong thâm tâm, tôi mong muốn cha mẹ Cà Rốt sớm tìm nhận con. Nếu chuyện này xảy ra, tôi sẽ giao Cà Rốt cho cha mẹ ruột. Mặc dù điều này khiến tôi đứt từng khúc ruột”.

Chị Hạnh chăm sóc Cà Rốt kỹ lắm. Gặp ai chị cũng bế Cà Rốt ra khoe. Trong vòng tay yêu thương của chị Hạnh, tôi hy vọng Cà Rốt lớn lên sẽ là người tốt.

Bà VÕ THỊ MINHngười ở chung khu nhà trọ với chị Hạnh

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.