Miền Trung ngắc ngoải vì nóng

Những ngày gần đây, miền Trung đang hứng chịu đợt nắng nóng chưa bao giờ có. Các bản tin dự báo thời tiết luôn “neo” mức dự báo 37-39 độ C nhưng thực tế ở khu vực Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh nhiệt độ luôn cao hơn 42 độ C. Cá biệt có ngày nhiệt độ tăng vọt đến 47-48 độ C, độ ẩm chỉ còn 28% khiến không khí oi bức, khô ráp, khó thở.

Nóng ran như lửa nung

Đồng Hới (Quảng Bình) - đô thị vừa có sông có biển nhưng mới 8 giờ sáng, nhiệt độ đã tăng lên 39 độ C. Việc thật cần kíp người dân mới trùm kín mặt mũi đội nắng đi. Buổi trưa, cái nắng chao chát dội xuống những mảng “lửa” khổng lồ, đỏ rực. Phóng tầm mắt nhìn xa, không khí hừng hực như những đám cháy, mọi vật đều biến dạng bởi sức nóng của không khí. Vừa nắng dội lửa, vừa gió Lào ràn rạt, không gian như cô đặc.

Gần 18 giờ chiều, công viên ven sông Nhật Lệ, vài ngày gần đây đồng hồ đo nhiệt kế ở bảng điện tử vọt lên 47 độ C! Có người không tin, hôm sau đưa nhiệt kế ra đo ngoài trời, kết quả 48 độ C. Ông Nguyễn Thành Thống nói như hoảng: “Tui 80 tuổi rồi, chưa khi mô chộ đợt nắng nóng như ri. Dự báo thời tiết nói 39 độ C nhưng cái nóng lại khác, nhiệt độ đã 47 độ C rồi. Đáng ra phải dự báo sát với thực tế để dân biết. Nóng 39 độ C còn chịu nổi chớ trên 40 độ C rồi 47 độ C thì đúng là khủng khiếp”.

Đông Hà (Quảng Trị) - thành phố chỉ có con sông Hiếu nhỏ bé tạt hơi nước yếu ớt lên dọc những dãy phố, làng mạc hai bên. Hơi nước không đủ mát để xua đi không khí nóng như  nhốt tất thảy mọi người vào lò “luyện đan”. Anh Nguyễn Hoàng Lánh cho hay: “Không khí bị nung nóng, độ ẩm bị nung cháy tụt xuống dưới 30%, người cứ bưng bưng, ngồn ngột như mất oxy. Dân tui sống ở vùng gió Lào cát trắng quen đời quen kiếp rồi mà răng năm ni nóng chịu không nổi”.

Ở vùng Hương Khê (Hà Tĩnh), cái nóng miền núi hầm hập như co rút không gian. Như sống trong chảo lửa, chẳng tìm được chút không khí mát để hứng thở, đâu đâu cũng quánh sệt màu nắng nung khắc nghiệt.

 

Người dân miền Trung ra biển để giải nhiệt. Ảnh: MQ

 
Nhiệt độ đo ngoài trời vọt lên 47 độ C, độ ẩm lao xuống 28% ở Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: MQ

Xuống gầm giường…

Thông báo mất điện xuất hiện dày đặc trên báo chí và truyền hình địa phương. Cái nóng và tình trạng mất điện đã đẩy sự chịu đựng đến giới hạn cao nhất, người miền Trung đang tìm đủ cách chống chọi lại.

Mặt hàng áo chống nắng cháy hàng. Cửa hàng điện máy hết hàng quạt tích điện. Gia đình khá giả đổ dồn đi mua điều hòa nhiệt độ. Chị Nguyễn Thị Bé, chủ cửa hàng điện lạnh ở Đồng Hới, cho biết: “Mấy hôm nay, máy lạnh của bất cứ hãng nào về cũng bán hết veo trong buổi sáng. Có khi hàng chưa về đã bán hết “chỉ tiêu” do khách đặt hàng quá lớn. Thợ bắt máy lạnh cũng quá tải, có người mua được máy lạnh nhưng phải ba đến bốn ngày sau mới có thợ đến lắp”.

Đặc biệt, nhà có mái lợp tôn thì nóng bức tăng lên bội phần, có gia đình phải chọn cách trốn nóng bằng cách chui xuống gầm giường ngủ. Ở vùng sâu như xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình), bà Hồ Thị Lợi cho biết: “Nóng từ núi đá vôi phả ra dữ dội nên khó chịu lắm. Trưa chịu không nổi có người vô hang nằm, có người chui xuống gầm giường nằm mà thở tí chút chứ không e chết mất”.

Ở xã Cam Lâm (Cam Lộ, Quảng Trị), căn nhà cấp bốn của mệ Nghĩa vắng tênh. Đám cháu đứa trốn nắng dưới gốc mít, đứa trốn gầm giường, có đứa ra bụi tre nương bóng mát. Nhưng mệ Nghĩa nói: “Trốn nắng rứa nỏ ăn thua. Nhiệt độ thì cao, lại gió Lào rát mặt, chui xuống gầm giường còn có chút mát chứ ra mấy bóng cây hanh hao lắm”.

… Và lao ra biển

Vài ngày gần đây, nhiệt kế công cộng ven sông Nhật Lệ vẫn không có dấu hiệu giảm, luôn ở ngưỡng 47 độ C lúc 18 giờ. May thay, đô thị này còn có các bãi biển Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú... để chống nóng.

Biển Bảo Ninh, chiều 20-5, hàng vạn người tắm biển đặc kín. Cụ Nguyễn Toại (78 tuổi) cho biết: “Biển đã cứu chúng tôi chống nóng vào cuối ngày. Ra với biển, mọi nắng nực, ngột ngạt đều tan biến. Không có biển, chắc khó sống chung với nắng nóng kỷ lục của năm ni rồi”.

Các vùng biển khác như Cửa Việt (Quảng Trị), Thiên Cầm (Hà Tĩnh) cũng dày đặc người. Biển là không gian sinh tồn, là môi trường mưu sinh, biển còn là không gian sinh hoạt mỗi khi nắng nóng bủa vây. Ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), ông Phạm Đồng nói: “Nắng nóng ri mà không có biển chắc bỏ làng mà đi ở gần sông, gần hói chứ ở trên cát thì chả khác chi sa mạc. Nhờ có biển mà dân có nơi trốn nóng, thoát khỏi bức bí, khỏi tai họa “lửa trời” thiêu đốt”.

Làng không có biển, dân cũng tìm cách đổ về biển để giải nhiệt cuối tuần hoặc có điều kiện hơn thì mỗi ngày. Anh Nguyễn Trung ở Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) nói: “Chịu khó đưa vợ con về biển Hải Ninh, xuống nước là mát. Rứa là tạm quên được cái nắng chưa bao giờ có. Xuống được biển là có tinh thần để hôm sau chống chọi với nóng mà làm việc. Biển cả cho dân nhiều thứ, trong đó cứu dân khỏi nắng nóng là một điều ơn nghĩa lắm”.

MINH QUÊ

 

Ở Đồng Hới, nhiều người chỉ nhau cách làm “máy lạnh” để đối phó nắng nóng. Dùng hộp xốp đổ đầy đá, trên nắp khoét hai lỗ to. Một lỗ dùng ống nước đoạn cong, phi 30. Lỗ còn lại khoét vừa để quạt tích điện vào đó. Bật lên, gió từ quạt thổi hơi vào thùng đá bên trong, đẩy hơi mát thoát ra theo lỗ thông hơi có ống nước to. Làm cách này, mỗi thùng xốp chứa đầy đá có thể duy trì thời gian đến tám tiếng đồng hồ cho căn phòng 24 m2. Nếu cửa phòng kín, hơi mát từ thùng xốp có thể như có điều hòa. Một bà mẹ trẻ cho biết: “Đá lạnh rẻ, chỉ ngại mua nhiều thì nặng nhưng trong lúc nắng như đổ lửa thì đây là cách làm mát cho tụi trẻ học hành và cho sinh hoạt gia đình luôn”.

 Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 10 ngày tới, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục nắng nóng. Từ ngày 20 đến 28-5, mây thay đổi, ngày nắng nóng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Gió nam đến tây nam cấp 2, cấp 3. Nguyên nhân của đợt nắng nóng này là do ảnh hưởng của lưỡi áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh khiến nền nhiệt ở miền Trung tăng vọt làm cho không khí oi bức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm