Mẹ chồng nói tới con dâu là… muốn xỉu

Khi Hạnh - một cô gái miền Tây, bạn học của tôi yêu Hưng, một anh chàng quê  Bắc, tôi đã thấy lo. Ngày Hạnh về ra mắt, tôi đi theo Hạnh. Mẹ Hưng tỏ rõ bà không thích.

Xỉu lên, xỉu xuống vì dâu mới

Bà nói rằng Hưng là con trai một, sau này phải về quê nhà phụng dưỡng cha mẹ, đảm đương vai trò con trai trưởng. Sau bữa cơm gượng gạo, mẹ Hưng kêu bị mệt tim phải đi nghỉ. Hưng và Hạnh nhìn nhau vừa cười vừa mếu.

Hưng và Hạnh vẫn quyết định làm đám cưới. Mẹ Hưng nghe con trai nói bèn xỉu lên xỉu xuống vài bận. Đám cưới chưa diễn ra thì Hạnh dính bầu.  Mẹ Hưng tuyên bố gia đình sẽ không đi đón dâu vì con dâu đã ăn cơm trước kẻng, cô dâu phải vô nhà chồng theo lối cửa sau. Hưng không nói gì nhưng ngày đón dâu vẫn dẫn Hạnh vào cửa trước. Mẹ Hưng giận quá, suýt lên cơn xỉu. 

mẹ chồng không cho phép đi cửa chính vì cô dâu đã "ăn cơm trước kẻng", nhưng Hạnh vẫn vào nhà chồng bằng cửa trước, khiến mẹ chồng càng giận. Ảnh minh họa từ giadinh.net.vn

Cha mẹ chồng xét nét tưng ly từng tí nên dù tính tình vô tư vui vẻ, Hạnh vẫn hay khóc với tôi vì sự lạnh nhạt xa cách của nhà chồng. Tôi khuyên Hạnh cứ vui vẻ, bớt nghĩ ngợi. Người thân rồi sẽ gần, nếu chưa gần cũng nên cư xử đúng mực, không trách giận. Người trẻ thay đổi mình còn khó, huống chi người già vốn đã ít nhiều bảo thủ.

Rồi Hạnh ốm nghén, mẹ Hưng vào chăm, bà thấy con trai tất tả dậy sớm nấu ăn cho vợ, bà trách con dâu lôi kéo chồng ra riêng để thoải mái bắt nạt chồng. Vài lần Hạnh định gom đồ đạc bỏ về nhà mẹ đẻ. Một hôm, cô nghe mẹ chồng gọi về nhà: "Con bé đó nó vụng về nhưng tính tình vô tư, hiền lành, không giận ai bao giờ". Mối quan hệ giữa Hạnh và mẹ chồng dần ấm áp hơn rất nhiều. 

Làm sao để “chỉnh đốn” con dâu?

Trong một lần tham vấn tại NVH Phụ nữ, bà Lê Thị Thanh Nhã (chuyên gia nghiên cứu về văn hóa gia đình) nhận được một câu hỏi từ một người mẹ chồng lớn tuổi. Bà bức xúc: “Con dâu tôi tánh kỳ cục, nó thích mặc váy ngắn, còn xăm một cái hình, nhuộm tóc nữa. Tôi nói nó phải ăn mặc thùy mị nết na cho giống con gái nhà lành mà nó không chịu nghe. Làm sao để nó chịu nghe lời?”.

Qua những câu hỏi gợi mở của chuyện gia tư vấn, bà cho biết con dâu tính cách vui vẻ, làm việc giỏi giang nhưng rất “lì”, thích làm theo ý mình. Cũng vì vậy mà gia đình hay căng thẳng, bà cũng thường nói chuyện với con trai để góp ý vợ nhưng anh bênh vợ, sau đó anh còn đi xăm hình đôi với vợ. Tình cảm giữa bà và các con xa cách dần.

Bà Nhã đã nhẹ nhàng trò chuyện với người mẹ chồng ấy: Giềng mối quan hệ trong gia đình được xây dựng trên các nền tảng yêu thương, tôn trọng, thuận thảo và chấp nhận cá tính riêng của nhau. “Trong cách ăn mặc, có những điều được xem là chuẩn mực phù hợp với thế hệ của chúng ta, nhưng không còn phù hợp với lớp trẻ. Cách ăn mặc mỗi thời mỗi khác, model bây giờ phải khác xưa chứ, chúng ta phải hiểu điều này và thông cảm cho các con”.

Bà Thanh Nhã cũng cho rằng thời xưa cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó nên thế hệ các mẹ, các chị không ít người phải làm dâu rất cực khổ. Thời nay, vai trò người phụ nữ đã khác, họ đòi hỏi được tôn trọng và được bình đẳng, nên việc áp đặt con dâu sẽ gây ra những ức chế hoặc các mối bất hòa trong gia đình. Ở chiều ngược lại, các cô con dâu cũng cần hiểu tâm lý mẹ chồng, tùy cơ ứng biến, tìm cách xử sự cho phù hợp, giữ hòa hiếu trong gia đình.

Cũng tại buổi tham vấn này, một cô gái đã chia sẻ rất hóm hỉnh: “Hồi xưa mẹ chồng em xét nét dữ lắm. Bà nói em sơn móng tay móng chân là không đứng đắn. Một bữa em chở mẹ tới tiệm làm nail, chỗ mấy dì tuổi mẹ hay tới làm. Nay mẹ hết nói gì em rồi mà lâu lâu còn kêu em chở ra chỗ ấy làm móng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm