Mặc biển cảnh báo, người dân vô tư buông câu dưới lưới 'tử thần'

Vào buổi chiều, khi di chuyển qua cầu Sài Gòn lưu thông theo hướng về quận Thủ Đức, quan sát dòng kênh dọc theo xa lộ Hà Nội sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân ngồi câu cá dưới ngay dưới hành lang lưới điện cao áp 110KV Thủ Đức - Vikimco -xa lộ Hà Nội, thuộc địa phận phường Bình An và An Phú, quận 2, TP.HCM. 

Theo quan sát của phóng viên, có khoảng bốn biển cảnh báo được cắm rải dọc theo chiều dài của khúc sông với dòng chữ "Phía trên có điện áp cao nguy hiểm chết người. Khu vực không câu cá" nhưng người dân dường như "làm ngơ" và vẫn thản nhiên ngồi câu cá dọc khúc sông này. 

Biển báo với nội dung "Phía trên có điện áp cao nguy hiểm chết người. Khu vực không câu cá" được cắm dọc khúc sông nhưng người dân dường như làm ngơ. ẢNH: THANH TUYỀN

Khi được hỏi tại sao đã có biển cảnh báo mà vẫn câu cá ở khúc sông này, chú Thanh Tín (một người dân sống gần khu vực này) cho biết chú thường xuyên đến đây câu để giải trí và thường rủ bạn đi theo cho có không khí. "Thì chỉ câu giải trí một chút rồi về thôi, biển cảnh báo thì tôi có thấy nhưng khúc sông này gần nhà, không phải đi xa. Không sao đâu, lâu nay tôi đâu thấy nhiều người bị phóng điện vì câu cá đâu" - chú Tín trả lời.

Người dân thản nhiên câu cá dù biển cảnh báo nằm ngay trước mặt. ẢNH: THANH TUYỀN

Cũng theo chú Tín, cá ở dưới khúc sông này rất nhiều loại khác nhau nên nhiều người thích là vì vậy. "Cá trê cũng có, mấy con cá cảnh cũng có luôn. Nó có nhiều loại lắm nên dân chúng tôi sống ở đây ra đây câu hoài à. Với lại ở đây có cây xanh mát mẻ nên ai cũng thích" - chú Tín kể.

Nhiều người cho rằng thời tiết nắng nóng như vậy khó mà xảy ra sự cố phóng điện. Họ chỉ sợ sấm sét hoặc trời mưa. ẢNH: THANH TUYỀN

Đến hỏi một thanh niên đang ngồi câu ở khúc sông phía gần siêu thị Metro, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. "Có gì đâu mà nguy hiểm, mình ngồi xa mà, với lại có mấy ai bị nhiều đâu. Xui mới vậy thôi. Mà trời mưa thì còn có đề phòng chớ nắng vậy mà lo gì " - người thanh niên này trả lời với sự thờ ơ.

Anh Thanh - một người câu cá chuyên nghiệp cho biết: "Tôi cũng thấy biển cấm đó nhưng thấy nhiều người đến đây câu nên cũng tham gia cho vui"

Biến cảnh bảo có cũng như không bởi sự làm ngơ của người dân. ẢNH: THANH TUYỀN

Cô Hồng Loan (người dân sống ở khu vực này) thì bất bình: "Phải nguy hiểm đến tính mạng đã người ta mới cắm biển nhắc nhở nhưng tôi thấy họ thờ ơ với tính mạng của mình quá. Có mấy lần tôi cũng nhắc nhưng họ chỉ cười cho xong chuyện rồi thôi nên sau này tôi cũng không nói nữa".

Việc câu cá dưới lưới điện cao thế có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Điều này đã được cảnh báo nhưng dường như người dân tỏ vẻ thờ ơ với chính tính mạng của mình và vô tư buông câu mà không biết nguy hiểm có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Từng có người bị sự cố phóng điện và tử vong ở khu vực này, nhưng dường như tai nạn này vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh cho những "câu thủ" đang say sưa buông cần câu.

Tai nạn chết người

Ngày 13-3-2015, anh Nguyễn Hữu Đức (35 tuổi, quê ở Lâm Đồng) - một người dân đến khu vực này để câu cá đã gặp phải sự cố phóng điện từ mạng lưới điện cao áp. Khi anh Đức kéo chiếc cần câu máy thì bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên. Anh Đức bị cháy đen khắp người, được đưa và BV Chợ Rẫy để cấp cứu trong tình trạng sốc bỏng nặng. Sau 10 ngày điều trị, anh Đức đã tử vong do nhiễm trùng máu. Theo Công ty lưới điện cao thế TP.HCM, anh Đức câu cá trong hành lang an toàn lưới điện cao áp, vô ý để cần câu và dây câu vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện gây tử vong sau nhiều ngày điều trị.

Phải đảm bảo khoảng cách an toàn là 4 m khi đến gần lưới điện cao thế

Khi đến gần lưới điện cao thế, người dân phải đảm bảo an toàn khoảng cách 4 m tính từ pha ngoài cùng, từ dưới trụ lên và từ chiều ngang trụ điện ra. Tuyệt đối không tung ném, quăng vật thể gì lên dây điện vì điện cao áp không bọc vỏ rất dễ phóng điện. Người dân cần nâng cao ý thức hơn, vì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

(Cảnh báo của Công ty lưới điện cao thế TP HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm