Ma túy, ĐTDĐ “chui” vào trại giam

Ngày 20-3, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Thị Liễu (quê Đồng Nai) về tội mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Liễu bị bắt quả tang đang tuồn ma túy cho Vũ Quốc Hòa là phạm nhân đang thi hành án bảy năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy tại trại giam Xuân Lộc.

Tiếp ma túy cho phạm nhân

Theo điều tra, ngày 10-2, Hòa nhờ một bạn tù liên hệ với Liễu (chị dâu của Hòa) nhờ Liễu đưa ma túy vào trại để sử dụng. Liễu đến khu vực cầu Sài Gòn mua một cục heroin giá 1 triệu đồng. Sáng 18-2, Liễu đến thăm nuôi Hòa. Khi Liễu đưa ma túy cho Hòa thì bị cán bộ trại giam phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 15-9-2011, tại phân trại số 2, cán bộ trại giam phát hiện trong đồ thăm nuôi của phạm nhân Tăng Văn Quang (25 tuổi, quê Nghệ An) có một bịch kẹo sữa khả nghi nên tiến hành kiểm tra kỹ thì phát hiện bên trong có bọc nylon nhỏ màu trắng. Khi mở ra đó là heroin bột nén màu trắng. Quang khai nhận trong thời gian chấp hành án có quen biết với phạm nhân Phạm Văn Mạnh. Khi Mạnh được đặc xá, Quang cho Mạnh số điện thoại của em trai là Tăng Văn Vũ. Thông qua đó, Vũ đã tuồn ma túy vào trại cho Mạnh dưới hình thức giấu vào đồ thăm nuôi.

Ma túy, ĐTDĐ “chui” vào trại giam ảnh 1

Phạm nhân Vũ Quốc Hòa bị phát hiện nhận ma túy từ người thân. Ảnh: Võ Tùng

Thượng tá Nguyễn Hữu Phước, Phó giám thị trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết số lượng phạm nhân nghiện ma túy tại trại chiếm khoảng 25%. Hầu hết ma túy tuồn vào trại giam chủ yếu do người thân của phạm nhân cung cấp. Các đối tượng tuồn ma túy vào trại bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như phân thành những gói nhỏ, giấu kỹ trong quà thăm nuôi, đầu lọc thuốc lá, nhét vào quầy chuối... Ngoài ra, lợi dụng sơ hở của quản giáo để đưa ma túy trực tiếp cho phạm nhân nuốt vào bụng hoặc giấu vào chỗ kín đem vào trại sử dụng.

ĐTDĐ vào trại qua đường hậu môn

Ngày 15-3, các quản giáo tại trại giam Xuân Lộc dùng máy metal detector (máy dò kim loại) rà khắp người phạm nhân Nguyễn Nhất Tuấn (36 tuổi, quê Đồng Nai, đang chấp hành án bảy năm tù về tội trộm cắp tài sản và lừa đảo). Qua đó, phát hiện vùng hậu môn của Tuấn có kim loại. Các quản giáo phải dùng thuốc xổ và thuốc bơm cầu để lấy ĐTDĐ ra khỏi hậu môn Tuấn. Lúc này Tuấn mới thừa nhận đã nhờ người nhà vứt chiếc điện thoại Nokia 1208 vào bụi rậm gần chỗ Tuấn lao động. Tuấn giả vờ đi vệ sinh rồi dùng bọc nylon gói kín điện thoại, thoa dầu ăn lên bọc nylon rồi nhét vào hậu môn.

Theo Trung úy Phan Văn Giang (người trực tiếp điều tra vụ đưa điện thoại vào trại giam), khi có điện thoại, các phạm nhân dùng pin tiểu lấy từ đồng hồ hoặc điều khiển tivi để nối vào các đầu cực của pin ĐTDĐ để liên lạc với bên ngoài. Khi điện thoại đưa trót lọt vào trại, các phạm nhân thường sử dụng vào mục đích xấu như liên lạc thông cung, điều hành băng nhóm tội phạm còn ngoài xã hội. Hiện nay chưa có thiết bị rà phá sóng để phát hiện điện thoại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Phúc, Trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam - VKSND tỉnh Đồng Nai, nhận định gia đình tiếp tế vật cấm cho phạm nhân không phải vô tình mà là cố ý. Hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định và vô tình làm cho con đường hoàn lương của người thân xa hơn. Bên cạnh đó, việc đặt tình cảm, tình thương gia đình của người thân cũng không đúng chỗ.

DUY ĐÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm