Lúa chết khô, thủy điện vẫn không 'chịu' xả nước

Ngày 3-3, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã kiến nghị Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak xả nước để cứu hàng trăm hecta lúa đông xuân đang thời kỳ trổ bông tại huyện Tây Sơn (Bình Định).

Một góc hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak. Ảnh: TẤN LỘC   

Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, hiện gần 150 ha lúa tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn đang có nguy mất trắng do đứt nước, khô hạn dài ngày. “Toàn bộ diện tích trồng lúa của xã Tây Thuận phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ thủy điện An Khê-Ka Nak. Vào đầu vụ sản xuất đông xuân 2015-2016, khi thấy Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak hoạt động, xả nước bình thường nên nông dân xã Tây Thuận gieo sạ với diện tích do chính quyền địa phương đề ra theo kế hoạch. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12-2015 đến nay, nhà máy thủy điện này không xả nước khiến nông dân không còn nguồn nước tưới. Tình trạng này đang khiến hàng trăm hecta lúa đang chết khô, hàng ngàn gia đình nông dân đang đối mặt với cái đói” - ông Sỹ nói.

Ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho biết thêm: Trước khi có Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak, suốt Cát nằm bên dưới nhà máy thủy điện này lúc nào cũng có nước, đất sản xuất nông nghiệp ở xã Tây Thuận hiếm khi bị thiếu nước bơm tưới, ngay cả vào mùa nắng. Thế nhưng, từ khi Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak hoạt động, xả nước vào suốt Cát đã gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này, hầu hết cát bị cuốn trôi hết ra sông Kôn, lòng suối hiện chỉ còn trơ đá tảng. Do đó, dù người dân cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực nạo vét tìm nước cứu lúa nhưng hầu như không còn một giọt nước.

Hầu hết sông suối ở huyện Tây Sơn, bên dưới Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak đều khô cạn. Ảnh: VŨ ĐÌNH

Trước tình hình trên, UBND huyện Tây Sơn có công văn yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak phải khẩn cấp xả nước cứu lúa. Tuy nhiên, công ty này vẫn từ chối xả nước với lý do cho rằng nhà máy thủy điện này không còn nước, không thể xả nước chống hạn; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tìm phương án khác khắc phục.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak còn cho rằng từ cuối năm 2015 đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên không có mưa, hồ chứa An Khê đã cạn dưới mức nước chết, Nhà máy thủy điện An Khê- Ka Nak ngừng hoạt động từ tháng 11-2015 đến nay nên không có nguồn nước để chống hạn.

Lúa ở huyện Tây Sơn đang thời kỳ trổ bông nhưng bị khô hạn nhiều ngày. Ảnh: VŨ ĐÌNH

Tuy nhiên, khi trực tiếp đến kiểm tra, khảo sát, lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Định nhận thấy hồ chứa Ka Nak vẫn còn 116 triệu m3nước chứ không phải hết như lãnh đạo Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak thông tin. Sau khi Sở NN&PTNT Bình Định có văn bản kiến nghị khẩn cấp, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã có ý kiến và Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak vội vàng lên kế hoạch xả nước với ba đợt xả từ ngày 3 đến 27-3.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm