Lũ lớn vì thủy lợi chưa thoát nước kịp

Lũ lớn vì thủy lợi chưa thoát nước kịp ảnh 1
Mưa lớn ở miền Trung suốt bốn ngày qua với lượng mưa 100-300 mm, có nơi lên đến gần 700 mm đã làm ngập úng trên diện rộng ở các địa phương. Ông Trần Quang Hoài (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (PCLB) Bộ NN&PTNT, thành viên Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, cho rằng hệ thống thủy lợi nơi đây chưa tốt, việc thoát nước gặp khó khăn.

. Xin ông khái quát thiệt hại sau trận lũ tại các tỉnh miền Trung những ngày qua?

+ Tính đến trưa 13-9, trận lũ đã làm cho bảy người thiệt mạng, bao gồm Nghệ An (ba), Bình Thuận (một) và Lâm Đồng (ba). (Đến tối 13-9 có thêm một nạn nhân ở Nghệ An). Tổng thiệt hại cả nước hơn 750 tỉ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An các tuyến đường quốc lộ 7, quốc lộ 48C đã thông tuyến. Các đường ĐT598A, ĐT598B, ĐT545 còn một số đoạn bị ngập sâu gây ách tắc giao thông, các tuyến đường khác hiện tại giao thông bình thường.

. Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại trên là gì, thưa ông?

+ Hệ thống thủy lợi của các địa phương này đang có vấn đề, chưa đáp ứng được với lượng mưa khiến lũ lên nhanh hơn. Ngoài ra sự chủ quan và kỹ năng PCLB, ý thức phòng, chống thiên tai của người dân vẫn bị xem nhẹ, có những trường hợp chết người không đáng xảy ra.

Trong đêm, lãnh đạo địa phương không thể đi theo chỉ bảo cho từng người, từng nhà hết được, do đó mỗi cá nhân tự chuẩn bị cho mình là cách ứng phó tốt nhất.

. Nhiều người cho rằng trận lũ này không lớn nhưng đã gây thiệt hại về người và hoa màu khá lớn. Ông nhận định thế nào về đánh giá này?

+ Trận mưa lũ trong đợt bão số 2 cách đây gần một tháng xuất phát từ thượng nguồn phía Lào đổ về gây ra lũ lớn. Còn đối với trận lũ này, tuy mực nước ngập không lớn bằng nhưng lại bắt nguồn từ trận mưa lớn trên diện rộng ở khu vực đồng bằng và một phần trung du khiến cho việc tiêu úng gặp khó khăn. Thời tiết miền Trung quá khắc nghiệt, các tỉnh đã xây dựng nhiều công trình nhưng chưa đáp ứng được. Mặc dù trung ương đã có hẳn một đề án PCLB cho các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận, song chưa thể khắc phục được những hạn chế trên.

Lũ lớn vì thủy lợi chưa thoát nước kịp ảnh 2

Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng (ở xóm Yên Trung, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) đi thuyền mò lúa trong nước lũ. Ảnh: ĐẮC LAM

. Lâu nay chuyện lũ lụt ở miền Trung xảy ra thường xuyên, năm nào cũng họp bàn cách ứng phó nhưng thiệt hại thì vẫn không giảm?

+ Chính phủ rất quan tâm đầu tư rất nhiều cho miền Trung. Trận lũ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ và các tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ nhiều kinh phí nhưng khi thực hiện các dự án lại không hiệu quả. Nhiều khi các địa phương còn chủ quan, ỷ lại, chờ trung ương.

. Tình hình lũ lụt trong những ngày tới sẽ ra sao, thưa ông?

+ Từ ngày 13-9, tỉnh Thanh Hóa hầu như đã hết mưa, Nghệ An còn ba điểm có mưa vừa là Con Cuông, Dừa và Cửa Hội, các nơi khác mưa nhỏ dưới 10 mm. Mực nước sông Bưởi (Thanh Hóa) tại Kim Tân có khả năng lên mức báo động 1 (10 m); sông Cả (Nghệ An) tại Dừa lên mức 23 m (trên báo động 2 0,5 m), tại Nam Đàn lên mức 7,5 m (trên báo động 2 0,6 m), sau đó còn tiếp tục lên chậm; hạ lưu sông Mã và sông La còn dưới mức báo động 1.

. Xin cảm ơn ông.

Nghệ An: Núi lở đè thủy điện Bản Vẽ. Đến tối 13-9, mưa ở Nghệ An đã ngớt nhưng nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về nhanh cùng với thủy điện Bản Vẽ tiếp tục xả lũ làm hàng chục ngàn hộ dân dọc bờ sông Lam ngập chìm trong nước.

Em Trương Hữu Hiếu (năm tuổi, ở xóm 12, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) chết do ngã xuống nước lũ, nâng tổng số người thiệt mạng do lũ ở Nghệ An lên bốn người. Tổng thiêt hại hơn 458 tỉ đồng.

Gần 100.000 học sinh trong tỉnh phải nghỉ học.

Tỉnh lộ 545 từ huyện Tân Kỳ đi huyện Nghĩa Đàn, đường 598A (huyện Quỳ Hợp) và đường 598B đang ngập chìm trong nước từ 1 đến 3 m, giao thông chia cắt.

Mưa lớn kéo dài, lúc 15 giờ 30 ngày 13-9, núi lở, đổ xuống sân Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện miền núi Tương Dương) và đang uy hiếp cả công trình nhà máy.

Hà Tĩnh: Bảy xã và hơn 100 ha lúa bị ngập. Nước lũ hạ nguồn sông Lam dâng cao khiến bảy xã ngoài đê thuộc huyện Đức Thọ đã bị nước dâng lút chia cắt các trục đường giao thông và hơn 100 ha lúa đang bị ngập úng. Tỉnh chỉ đạo các huyện và bà con gặt chạy lũ với phương châm “lúa xanh nhà hơn già đồng”.

Thanh Hóa: Vỡ hồ chứa. Tại xã Tùng Lâm huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hồ Quy - một hồ nhỏ do xã quản lý, dung tích khoảng 200.000 đến 300.000 m3 đã bị vỡ khoảng 15 m gây ngập úng lúa, không thiệt hại về người.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cũng đã cử đoàn công tác đi kiểm tra tình hình hồ chứa Yên Mỹ và ngập úng tại tỉnh.

Ga Phan Thiết ngưng hoạt động vì mưa to. Ngày 13-9, Ga Phan Thiết đã phải ngưng hoạt động suốt sáu ngày do một đoạn đường ray dài 200 m đoạn chạy ngang qua phường Phú Trinh bị ngập nước nên tàu không thể lưu thông được.

Hiện hàng trăm hành khách đi tàu Phan Thiết-Sài Gòn hằng ngày phải trung chuyển bằng xe ô tô vào Ga Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam) cách đó gần 20 km. Đường ray bị ách tắc còn làm trên 550 tấn hàng gồm gạo, vỏ chai, nước mắm, các nhu yếu phẩm khác bị “đóng băng” ở hai đầu Ga Mương Mán và Ga Phan Thiết.

Lâm Đồng: Tìm được thi thể nạn nhân thứ ba. Trưa 13-9 đã tìm đươc thi thể anh Đặng Văn Đoàn (23 tuổi), ở huyện Cát Tiên. Hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân ở ven sông Đạ B’Sar (xã Đạ Ploa, huyện Đạ Hoai) vẫn tiếp tục bị đe dọa vì nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm