Loay hoay phương án tăng tuổi hưu

“Trong các cuộc đối thoại gần đây với doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) hầu hết không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Đối tượng muốn tăng có chăng chỉ là công chức, viên chức” - ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định như vậy về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi hưu với lao động gián tiếp trước

Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng trước áp lực suy giảm nguồn lao động trong tương lai do già hóa dân số, Nghị quyết 28/2018 của Ban chấp hành Trung ương ra đời đã đưa ra những quy định về tuổi nghỉ hưu cho phù hợp. “Vì vậy, có thể nhận định đây là thời điểm chín muồi để xem xét điều chỉnh tuổi hưu” - ông Quảng nêu rõ.

Đối với quy định tăng tuổi hưu nam lên 62 và nữ lên 60, ông Quảng nhận định mức tăng này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Quảng đề xuất nên chọn phương án 1 bởi lộ trình tăng chậm hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và NLĐ thích ứng dần với quy định mới, không gây sốc cho cả doanh nghiệp và NLĐ.

Điều ông Quảng băn khoăn nhất hiện nay trong dự thảo là việc phân nhóm đối tượng. Tất nhiên, trong dự thảo đã quy định người làm việc khu vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công nhân lao động trực tiếp nhưng không thuộc nhóm ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại chưa được xem xét.

“Ví dụ như giáo viên mầm non, tiểu học, trung học… đến khi họ 50-55 tuổi, trẻ không thích học, dạy các cháu rất khó khăn. Cho nên những ngành nghề này theo tôi cần có một lộ trình tăng chậm hơn nữa, chính sách linh hoạt hơn hoặc Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn luật. Nếu đối tượng này cũng tăng đồng loạt như các đối tượng khác thì rất khó khăn cho họ” - ông Quảng nhận định.

Người có nhiều năm nghiên cứu, chuẩn bị cho quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng từ những năm 2009-2010, ngành lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có bàn về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Trong đó, khu vực gián tiếp tăng trước (nhóm người trong các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia…), tiếp đó mới đến các đối tượng lao động trực tiếp. Những NLĐ ở khu vực độc hại thì không tăng tuổi hưu.

“Tuy nhiên, với quy định và cách lập luận của dự thảo, tôi cũng có phần băn khoăn. Bởi vì vấn đề ở đây chúng ta phải tính toán, đánh giá được tác động đến thị trường lao động, sức khỏe NLĐ… Tôi lo nhất là NLĐ trực tiếp và doanh nghiệp, không biết họ có chịu được không” - ông Huân nói.

Công nhân, người lao động trực tiếp là đối tượng đang được Bộ LĐ-TB&XH cân nhắc cẩn trọng trong phương án tăng tuổi hưu. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Nhiều lưu ý với đối tượng lao động nặng nhọc

Đại diện Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết: “Quán triệt tinh thần nghị quyết và cụ thể hóa nội dung đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban cán sự đảng Chính phủ, để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của NLĐ Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột. Bộ LĐ-TB&XH phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu”.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án với lộ trình tăng khác nhau. Đồng thời đưa ra quy định NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.

“Như vậy, dự thảo đã đưa lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và đề xuất cho lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… được nghỉ hưu sớm nhưng không quá năm năm” - ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH, thành viên ban soạn thảo, nói.

Đối với quy định nhóm đối tượng lao động trực tiếp nhưng không phải thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, ông Thiện cho hay cũng đã được quy định trong luật và nói rõ trong tờ trình. Tuy nhiên, bản tờ trình dự thảo luật lại không nhắc cụ thể đến nhóm này.

Phải đảm bảo các chế độ chăm lo cho người về hưu

Việc tăng dần tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ và năng suất lao động, tránh gây sốc đột ngột, theo dự thảo thì tôi cho rằng nên chọn phương án 1. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm mức tăng tuổi nghỉ hưu của đối tượng công nhân trực tiếp sản xuất trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản...

Độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ không thể cào bằng vì liên quan đến sức khỏe, vai trò làm mẹ... của lao động nữ trong điều kiện hiện tại. Do đó nên có độ giãn cách nhất định, 2-3 năm là hợp lý. Và đặc biệt, dù tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chế độ chăm lo cho NLĐ khi về hưu không nên bị ảnh hưởng, các chế độ vẫn phải được đảm bảo theo luật BHXH, BHYT hiện hành.

Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Ủy viên Ban Thường vụ, 
Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM

Không nên tăng tuổi hưu với người lao động trực tiếp

Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động cần có sự chọn lọc đối tượng. Theo tôi, đối với NLĐ trực tiếp tham gia sản xuất thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì đây là đối tượng thường gặp nhiều tổn hại về sức khỏe trong lao động nên ở độ tuổi nghỉ hưu hiện tại, các đối tượng này thật sự cần được nghỉ ngơi.

Ông CỦ PHÁT NGHIỆP, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH
Pouyuen Việt Nam

TRÚC PHƯƠNG ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm