Lay lắt phận nghèo trên phá Tam Giang

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng ngập nước, nơi ráp gianh giữa sông và biển, rộng đến 22 nghìn ha, kéo dài 24 km qua các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những cư dân sống ven đầm phá này sống chủ yếu dựa vào nguồn thủy sản họ đánh bắt được trên phá.

Sáng sớm. Cả vùng đầm phá Tam Giang còn chìm trong màu đen kịt, chị Nguyễn Thị Ánh (35 tuổi, thôn Ngư Mỹ Thạnh, Quảng Lợi, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) lọ mọ đốt đèn, chuẩn bị đồ đạc đi giăng lưới. Bị cụt cánh tay phải nhưng chị Ánh khá thành thạo trong từng thao tác. Tay trái còn lại nhẹ nhàng rải lưới trôi theo con nước. Vụ tai nạn kinh hoàng cách đây gần chục năm đã cướp đi cánh tay của chị.

Lay lắt phận nghèo trên phá Tam Giang ảnh 1
Chị Ánh chỉ còn một cánh tay vẫn cần mẫn mưu sinh trên vùng nước
giờ đã cạn kiệt thủy sản. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngày đó, gia đình mới tằn tiện sắm được chiếc đò máy, hai vợ chồng làm nghề kéo cá. Vô tình chị để áo quấn vào máy, nghiến đứt cả cánh tay phải. Gần 2 năm điều trị, chị mới dám đi biển lại nhưng những con đò máy thì vẫn ám ảnh mãi. Hơn một giờ lặn lội thả lưới, vớt nò sáo, kết quả thu được chẳng là bao: vài đụm tôm lèo tèo. “Hèng (ít) lắm chú ơi. Đánh bắt đâu còn dễ dàng như trước đây nữa. Cả nhà mỗi ngày cật lực theo đầm phá cũng chỉ được vài chục bạc. Cứ như ni đói dài dài là cái chắc”, giọng chị Ánh chậm buồn. Nguồn thủy sản trên phá Tam Giang ngày càng cạn kiệt, nhiều người quay quắt vì đói. Chính vì thế, dù đã bao năm gắn bó trên con nước, không ít người chịu không nổi đã quyết định khăn gói vào Nam lập nghiệp. Tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, nơi nhiều ngư dân sống dựa vào phá Tam Giang, chuyện thanh thiếu niên rời làng đi làm ăn xa chẳng còn xa lạ. Riêng ở huyện Quảng Điền, theo phòng Lao động thương binh và xã hội huyện, những năm gần đây làn sóng ly hương ngày một nhiều. Trung bình mỗi năm có đến 5.000 - 6.000 lao động bỏ đến các thành phố lớn, chủ yếu là thanh niên. Theo thống kê của UBND huyện Quảng Điền, bình quân số hộ nghèo toàn huyện chưa tới 12% nhưng tất cả các xã ven đầm phá Tam Giang đều có tỷ lệ hộ nghèo vượt trung bình trung của huyện. Đặc biệt, tại xã Quảng An có đến gần 19% số hộ nghèo, Quảng Công có đến hơn 16%, các xã Quảng Lợi, Quảng Ngạn... tỷ lệ hộ nghèo đều chiếm trên 15%. Đáng lo ngại nhất có lẽ là cuộc sống của hàng chục hộ dân nhà chồ còn sót lại trong các đợt “sơ tán” vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trước mùa mưa bão. Nhà chồ là những căn lán rộng chừng 5 - 7m 2 được những cư dân ven phá dựng tạm để sinh sống. Những ngôi nhà chồ còn lại hiện nay được xây dựng khá kiên cố với cột xi măng, mái tôn nhưng trước những cơn cuồng phong mùa nước lũ của phá Tam Giang, chẳng mấy chốc đã xiêu vẹo.
Lay lắt phận nghèo trên phá Tam Giang ảnh 2
Những căn nhà chồ mỏng manh trước phá lớn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cơn bão năm Ất Sửu (1985) vẫn còn là nỗi kinh hoàng với người dân vùng sông nước. Cả vùng đầm phá khi ấy là một màu tang tóc với hàng trăm xác người chết dạt vào ven phá, chủ yếu là dân thủy diện, nhà chồ. Sau cơn bão, nhà chồ như một nỗi ám ảnh, ai ai cũng muốn lên bờ. Ngày nào cũng thế, ông Hoàng Công Anh (56 tuổi, thôn 8, xã Điền Hải) cùng những cư dân trong xã lại thả lừ, vớt nò sáo ngay trên vùng đầm phá. Căn nhà chồ với gần chục nhân khẩu của ông sau nhiều lần xê dịch giờ vẫn nằm ngay phía chân sóng Tam Giang. “Sợ chứ. Mùa mưa bão nào cả gia đình tôi cũng phải chuẩn bị sẵn đồ đạc cần thiết rồi di tản vào ở nhà người quen trong đất liền”, ông kể. Ngay như mùa mưa lũ năm ngoái, nước phá dâng lên đến cả nền sàn, làm hư hại nhiều đồ đạc cần thiết. "Làm cả năm cho đầm phá nó phá thôi. Cái nghèo đeo bám miết, muốn nên bờ mà không thể lên được”, ông đúc kết. Đầu năm 2009, ngành chức năng huyện đến kiểm kê đo đạc để tính phương an di dời nhưng đến nay họ vẫn chưa được “sơ tán”, phải sống ngay phía đầu con sóng, nguy hại treo lơ lửng từng ngày. Nhiều hộ dân may mắn được lên bờ nhờ chính sách tái định cư cũng đang ngắc ngoải với cuộc mưa sinh, vì lên bờ rồi cũng không biết làm gì để có thu nhập. Chỉ tính riêng tại xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, trong hơn 300 hộ dân sống nhờ đầm phá được bố trí tái định cư ở hai thôn Thủy Diện, Lê Bình từ 25 năm trước, đến nay số hộ nghèo của hai thôn này vẫn cao hơn trung bình của cả xã, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Lay lắt phận nghèo trên phá Tam Giang ảnh 3
Trẻ con theo cha mẹ sống trên mặt nước lênh đênh, chuyện học hành,
vui chơi gần như xa xỉ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cái nghèo bủa vây, con chữ với những đứa trẻ nơi đầm phá cũng chòng chành. Giữa mênh mông nước, em Trần Huỳnh (15 tuổi, thôn Ngư Mỹ Thạnh, Quảng Lợi) lọt thỏm trên chiếc thuyền tre, gắng gỏi theo từng đường chèo thả lưới. Huỳnh bỏ học từ cuối những năm lớp 9. Đứa em trai lớp 6 cũng vừa phải nghỉ học giữa chừng. “Trường thông báo đầu năm phải đóng tổng cộng đến gần triệu bạc. Tui chẳng đào đâu ra nên kêu chúng nó nghỉ”, ông Trần Đường (40 tuổi), bố của Huỳnh bộc bạch. Cả đời theo con nước, ông Đường và vợ đến nay đều thất học, mù chữ. Theo ông Trần Văn Minh, trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh: làng có 145 hộ khai thác thủy sản trên đầm phá thì có đến 20% người mù chữ. Cứ tính từ độ tuổi 30 trở lên, số người biết chữ trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuyện con cái bỏ học diễn ra thường xuyên. "Hết cấp hai có hơn 60 em nhưng lên cấp 3 thì chỉ còn hơn 10 em. Đại học càng hiếm hơn. Từ trước đến nay, làng mới chỉ có 6 con em theo học đại học... Chung quy cũng tại đói nghèo cả". Tại thôn Phước Lập (xã Quảng Phước, Quảng Điền), ông Hà Văn Dân, trưởng thôn tự hào khoe chuyện con em trong làng thi đại học hầu hết đều đỗ cả. Nhưng nhẩm tính ra số các em học đại học mới chỉ chưa đầy 10 em. Cả thôn vẫn còn trên dưới 40% người mù chữ, thất học. Thất học đang là hệ lụy buồn của những cư dân ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải (huyện Phong Điền) cho hay: xã vận động, khuyến khích bà con cho con em đi học cùng nhiều hình thức khuyến học, phát thưởng nhưng đến nay chuyện con em bỏ học giữa chừng vẫn diễn ra. Tỷ lệ mù chữ còn cao. Đói nghèo, đói chữ, thất học rồi đến sinh đẻ nhiều, cuộc sống khó khăn... là cái vòng luẩn quẩn tại nhiều vùng ven đầm phá này.
Theo Nguyễn Đôngn ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm