Lão thương binh hai lần bắn cháy máy bay Mỹ

Ông là một trong chín đại biểu người có công của Quảng Ngãi tham dự hội nghị biểu dương người có công toàn quốc năm 2017.

Nhà ông ở khu vực cây số 13, dưới chân đèo Đá Chát, xã Ba Liên, huyện miền núi Ba Tơ. Nói chuyện quê nhà, ông cười: “Đây là quê vợ, chứ quê mình ở tận vùng Ba Trang, Ba Khâm - trong chiến tranh từng vang danh với Bệnh xá Bác Mười - nơi liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng công tác. Từ đây về quê, đi bộ phải mất cả ngày đường…”.

Liên tiếp lập công

Như đánh thức vùng ký ức, ông kể nhiều về xã Ba Trang. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là vùng tiếp nối với chiến trường Đức Phổ nên địch đánh phá ác liệt. “Thằng địch ác quá. Phải vào du kích, vào bộ đội để đánh lại nó, bảo vệ lũ làng” - thanh niên Hương và nhiều thanh niên dân tộc H’re ở Bồ Hui nghĩ thế.

Năm 1961 thanh niên Phạm Văn Hương được vào đội du kích xã Ba Trang. Rồi tháng 2-1962, Huyện đội Ba Tơ về làng tuyển quân, du kích Hương cũng được chọn trong đợt này. “Vào bộ đội được học cái chữ, tập lăn lê bò toài, tập bắn súng garan tước từ tay địch là sướng lắm, dù rằng để học được phải cố gắng nhiều” - ông Hương cười vui bộc bạch.

Thương binh Phạm Văn Hương hai lần bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: VÕ QUÝ

Mùa hè năm 1966, sau nhiều ngày địch đổ quân càn quét, đã có những tốp máy bay trực thăng HU1B của địch từ đồng bằng lên chuẩn bị thu quân. Huyện đội Ba Tơ quyết định phản công địch. Bộ đội Hương cùng các chiến sĩ táo bạo vào sát khu vực địch chuyển quân rồi bất ngờ nổ súng. Chiếc máy bay vừa cất cánh bị bộ đội Hương bắn đã bốc cháy, rơi bên phía làng Huy.

Tin chiến công của bộ đội Hương không chỉ vang dội trong toàn quân ở miền núi Ba Tơ mà còn đến những xóm nhà của đồng bào dân tộc H’re trong vùng. Mọi người đều tự hào, khen ngợi: Bộ đội Hương - đứa con của đồng bào dân tộc H’re mình giỏi lắm.

Năm 1972, sau khi bao vây quận lỵ Ba Tơ nằm trong vùng thung lũng ba bên bốn bề giáp núi, lợi dụng địa hình núi cao, bộ đội Hương gan dạ đưa đại liên vào sát sân bay dã chiến của địch rồi chỉnh thấp nòng, bắn rơi máy bay HU1A khi chiếc máy bay này vừa cất cánh. Tin bộ đội Hương lại lập công bay nhanh hơn con chim phí trên đại ngàn, thêm một lần làm nức lòng quân dân trên huyện miền núi Ba Tơ. Bộ đội Hương được cấp trên thưởng huân chương Chiến công. Ông được đề bạt làm huyện đội phó, huyện ủy viên Huyện đội Ba Tơ. Sau chiến tranh, ông Hương tiếp tục công tác trong quân đội. Đến năm 1985 mới nghỉ hưu.

Trụ cột của làng

Phía trước nhà ông Hương là hồ Núi Ngang - công trình thủy lợi tưới cho trên 1.100 ha ở hai huyện đồng bằng Mộ Đức và Đức Phổ.

15 năm trước, tỉnh Quảng Ngãi quyết định xây dựng hồ chứa nước Núi Ngang ở khu vực xã Ba Liên. Để xây dựng công trình buộc phải di dời hàng trăm hộ đồng bào dân tộc của làng ông Hương bởi khu vực làng trong quy hoạch nằm trọn giữa lòng hồ.

Trước khi triển khai di dời, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với huyện Ba Tơ xuống xã tiếp xúc với đồng bào tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Nhiều đồng bào dân tộc nơi đây từ lâu quen sống ở làng nên nghe chuyện di dân ra vùng dưới chân đèo Đá Chát lo ngại lắm. Họ bảo ở đây quen rồi, không rời làng được đâu.

Ông Hương cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng ở đây, con đường là lối mòn đi mãi mà thành chứ có ai tu sửa, xây dựng đâu. Đồng bào ngày ngày lên rẫy đốt phá, chọc tỉa lúa, bắp nên đến giáp hạt lại thiếu ăn. Đám trẻ con trong làng cứ ngày ngày theo mẹ cha lên rẫy, bỏ bê chuyện học hành. Mùa mưa bão, con đường từ làng ra quốc lộ 24 nhiều đoạn bị cô lập nên cuộc sống người dân đầy khó khăn. Mặt khác, Nhà nước xây hồ chứa nước là để cho dân vùng đồng bằng và cả dân vùng xã Ba Liên có nguồn nước tưới, phát triển sản xuất là điều hợp lý.

Suy nghĩ vậy nên ông Hương động viên dân làng đồng ý với chủ trương của tỉnh. Nhưng để đến nơi ở mới ổn định, ngoài việc xây dựng nhà cho dân, cấp trên phải xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm. Còn đất sản xuất cho dân thì ngoài diện tích đất cải tạo ở gần khu tái định cư, Nhà nước cũng nên đồng ý cho bà con tiếp tục canh tác những nương rẫy cũ không nằm trong khu vực lòng hồ để sản xuất.

Nghe đề xuất hợp lý của già làng Hương, đồng bào dân tộc thấy yên cái bụng mà cấp trên cũng đồng thuận nên việc di dời dân được tiến hành.

Rồi khi Nhà nước chủ trương tiết kiệm, thay đổi cách làm ăn, ông Hương trở thành người tiên phong trong làng, hợp đồng trồng mía với Nhà máy đường Phổ Phong. Ông kể: “Đồng bào dân tộc có ai trồng mía đâu nên đến khi tham gia, mình phải nhờ cán bộ nó hướng dẫn cách trồng, cách bón phân, thu hoạch”. Thấy ông Hương trồng mía có hiệu quả, bà con tự nguyện tham gia trồng mía.

Đến lúc Nhà nước chủ trương phát triển rừng nguyên liệu, ông cũng là người tiên phong trồng rừng ở xã Ba Liên. Bây giờ thì cây keo nguyên liệu của đồng bào trong thôn đã phủ xanh bạt ngàn trên vùng đồi bên đèo Đá Chát. Nhiều người sau bốn năm trồng thu hoạch được cả trăm triệu đồng. Làm ăn có tiền của, bà con càng ham làm, biết tiết kiệm để tái đầu tư nên cuộc sống dần khá hơn. Riêng ông Hương khai hoang trồng rừng đến vài chục hecta. Nhờ trồng rừng nên ông có tiền của xây nhà, cho con ăn học. Khi các con có vợ chồng thì ông cho mỗi người một cánh rừng nguyên liệu riêng để làm ăn.

Ông Hương giờ đã 71 tuổi. Con cái đã trưởng thành, có vợ chồng ra ở riêng nhưng ông vẫn chưa nghỉ ngơi. Ông bộc bạch: “Ừ thì còn sức còn làm. Chứ ngày xưa chiến tranh có muốn làm lụng cũng có làm được đâu. Có làm mới xóa được cái đói, giảm được cái nghèo chứ”.

Ông Phạm Văn Hương, thương binh 4/4, trong chiến tranh thì dũng cảm kiên cường, trong hòa bình thì trở thành trụ cột của thôn Đá Chát. Lâu rồi, ông là già làng có uy tín, là đối tượng chính sách tiêu biểu của huyện Ba Tơ. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới ở xã Ba Trang.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ HUỲNH THƯƠNG

Sau khi kể về những ngày trong chiến tranh, về chuyện bắn rơi máy bay, ông Hương lại bùi ngùi: “Cuộc chiến đi qua, nhiều người thân, nhiều anh em, đồng đội đã ngã xuống. Mình cũng bị thương nhưng còn sống là may mắn, bom đạn nó né mình chứ mình có né được nó đâu…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm