Lao động nữ nhập cư đối mặt nguy cơ buôn bán người

Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo nghiên cứu “Tác động của khủng hoảng tài chính kinh tế đối với công nhân nữ nhập cư và những nguy cơ về mua bán người”.

Nhiều công nhân nữ không biết mặt mũi hợp đồng

Nghiên cứu trên của Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D) và ActionAid Việt Nam cho thấy, lao động nữ đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Theo báo cáo nghiên cứu, việc làm của phần lớn công nhân nữ nhập cư thuộc diện “bấp bênh”. Chỉ có 28% công nhân nữ nhập cư có hợp đồng không xác định thời hạn (Hà Nội là thấp nhất, chỉ 15%). Trong đó, có 10% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng miệng hoặc không ký hợp đồng lao động và 24% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng. Thậm chí, có khoảng 2% công nhân nữ nhập cư không được biết “mặt mũi hợp đồng lao động ra sao”.

Có tới 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc từ 1 đến 5 lần trong 5 năm qua. (Ảnh VNN)
Có tới 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc từ 1 đến 5 lần trong 5 năm qua. (Ảnh VNN)

Tính chất việc làm bấp bênh còn thể hiện ở chỗ có tới 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc từ 1 đến 5 lần trong 5 năm qua. Tỷ lệ chuyển nơi làm việc cao nhất là những công nhân nữ nhập cư ít tuổi.

Theo phản ánh của chính những công nhân nữ nhập cư, những tháng gần đây, nhiều công nhân đã bị doanh nghiệp cho nghỉ việc tạm thời để chờ việc với lý do không có đơn hàng, thiếu việc làm, khi nào doanh nghiệp có đơn đặt hàng sẽ “được gọi đi làm sau”.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, nhiều chị em công nhân nhập cư trong số này “được” cho nghỉ việc tạm thời nhưng không nhận được tiền trợ cấp hay hỗ trợ gì từ phía doanh nghiệp trong thời gian nghỉ việc. Một số chị em sau một thời gian nghỉ việc tạm thời đã bị buộc phải đi tìm việc làm ở doanh nghiệp khác, một số khác về quê.

Trao đổi về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, thiếu việc làm nên buộc phải để cho công nhân nghỉ việc tạm thời. Tuy nhiên, theo phản ánh của công nhân tại một số nhà máy, xí nghiệp, cường độ và thời gian lao động của họ vẫn luôn ở mức cao và căng thẳng.

Đối mặt với nguy cơ mua bán người

Mặc dù các doanh nghiệp đều điều chỉnh theo hướng tăng tiền lương tối thiểu những tháng đầu năm 2009, song hầu hết công nhân nữ nhập cư cho rằng, tiền lương, tiền công được trả chưa tương xứng với thời gian và công sức lao động mà họ bỏ ra.

Công việc bấp bênh, lương thấp khiến nhiều lao động nữ nhập cư đối mặt với nguy cơ bán người. (Ảnh: Minh họa)
Công việc bấp bênh, lương thấp khiến nhiều lao động nữ nhập cư đối mặt với nguy cơ bán người. (Ảnh: Minh họa)

Theo ý kiến của nhiều công nhân, cường độ và thời gian lao động hiện nay đã giảm căng thẳng hơn so với năm 2008 do doanh nghiệp nhận được ít đơn đặt hàng hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao, nhiều nơi vẫn trong tình trạng rất căng thẳng: 69% lao động nữ nhập cư được hỏi làm việc 48 giờ/tuần; 13% làm việc 49 – 56 giờ/tuần; 5% làm việc 64 – 72 giờ/tuần; 15% làm việc 9 – 11 giờ/ngày, 7% làm việc 12 giờ/ngày và 1% làm việc trên 12 giờ/ngày.

Tiền lương và thu nhập thực tế của hầu hết công nhân nữ nhập cư từ nơi làm việc giảm so với trước (bình quân từ 15 – 30%) nên người lao động phải chi tiêu tiết kiệm, kham khổ hơn, nhất là những người phải tiết kiệm tiền để gửi về hỗ trợ gia đình, người thân.

Phần lớn chị em tự mua thực phẩm về nấu thay vì ăn ở các quán ăn bình dân, mức chi bình quân chỉ là 3.000 – 7.000 đồng/bữa. 42% nữ công nhân thỉnh thoảng và 8% thường xuyên phải cầm đồ, vay lãi hoặc mua chịu để lấy tiền sinh sống.

Thời gian gần đây tình trạng người lao động chậm đóng tiền nhà, tiền điện, mua chịu hàng hóa… tăng nhiều so với trước. Nhiều người thấy cuộc sống hiện nay khó khăn hơn nhiều so với 1- 2 năm trước. Tỷ lệ công nhân nữ nhập cư có thu nhập và cuộc sống khó khăn hơn cả là Hà Nội (56%), tiếp đến là Đà Nẵng (45%) và Thành phố Hồ Chí Minh (42%).

Theo kết quả điều tra, đã có nhiều thông tin cho thấy có sự tham gia của một số công nhân nữ nhập cư vào hoạt động mại dâm, làm việc ở những cơ sở “nhạy cảm” như massage, karaoke “ôm”, nhà nghỉ, cắt tóc – gội đầu – giải khát – thư giãn… trên địa bàn cư trú hoặc ở những địa bàn lân cận.

Nhiều người đã khẳng định và kể tới một số trường hợp bị lừa phỉnh, cưỡng ép… buộc phải đi bán dâm, làm thêm ở những nơi nhạy cảm về mại dâm, lừa đi hoạt động mại dâm ở nước ngoài.

Trên 90% công nhân nữ nhập cư đều xác định, khi bị giảm hoặc mất việc làm, giảm thu nhập sẽ tìm kiếm một công việc mới (kể cả công việc có điều kiện lao động thấp kém hơn), ít người lựa chọn phương án trở về quê. Bất chấp khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động hơn, nhiều lao động nữ nông thôn vẫn tìm đường lên thành thị để tìm kiếm việc làm.

Chính vì vậy, việc chấp nhận một công việc nhiều rủi ro, bất chấp hậu quả là điều dễ xảy ra, nhiều chị em dễ bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt vào con đường mại dâm, lấy chồng nước ngoài.  

Theo Gia Văn ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm